TCTM – Tháng 6/2022, Quy định mới về thử nghiệm chịu lửa cửa tầng thang máy đã thay thế quy định cũ. Những điều này dường như gây khó khăn cho các doanh nghiệp theo như phản ánh. Cụ thể ra sao?
Để nâng cao hiệu lực phòng cháy chữa cháy (PCCC), đã có nhiều quy định mới được ban hành và có hiệu lực trong 2 năm gần đây. Trong đó có Nghị định số 136/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 10/1/2021 và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện phòng cháy và chữa cháy (QCVN 03:2021/BCA), có hiệu lực thi hành từ ngày 28/6/2022. Tạp chí Thang máy sẽ cùng quý vị phân tích các vấn đề cơ bản trong những quy định này.
Ý kiến từ doanh nghiệp
Quy chuẩn Quốc gia QCVN 03:2021/BCA và Nghị định 136/2020/NĐ-CP (Gọi tắt là NĐ 136) có nhiều thay đổi so với QCVN 06:2010/BXD và Nghị định 79/2014/NĐ-CP (Gọi tắt là NĐ 79).
Thử nghiệm chịu lửa cửa tầng thang máy tại Phòng Thí nghiệm Phòng chống cháy – Viện Chuyên ngành Kết cấu Công trình Xây dựng – Bộ Xây dựng
Cụ thể, việc thử nghiệm chịu lửa cửa tầng thang máy trước đây thường dùng mẫu vật liệu thử nghiệm theo kích thước 480 mm x 480 mm hoặc theo mẫu sản xuất nhưng không kèm phụ kiện. Theo đánh giá từ chuyên gia PCCC, đó thực chất chỉ là thử nghiệm vật liệu, không có tính phổ quát cho cả bộ cửa.
Còn các quy định trong QCVN 03:2021/BCA bắt buộc phải thử nghiệm trên một hệ thống hoàn chỉnh bao gồm phụ kiện đi kèm, không chỉ là vật liệu. Yêu cầu mới là mẫu thử phải có kích thước thực hoặc kích thước lớn nhất có thể phù hợp với kích thước lò thử nghiệm theo TCVN 9311-1l.
Đại diện một số doanh nghiệp cho rằng cách thử nghiệm trước đây đơn giản, dễ thực hiện, ít tốn kém và cũng có hiệu quả. Còn áp dụng theo quy chuẩn mới đòi hỏi rất cụ thể về kích thước, quy cách, số lượng mẫu thử,… nên phức tạp và tốn kém.
Đặc biệt, về số lượng mẫu thử, khi cửa chỉ bị phơi ra trước sự đốt nóng từ phía mặt ngoài cửa tầng thì chỉ cần thử với một mẫu thử. Nhưng cũng có thể cần đến một mẫu thử thứ hai để kiểm tra xác nhận kết cấu của cửa. “Đó là khi phương pháp cấu trúc ngăn cản việc xem xét tỉ mỉ mẫu thử để đảm bảo không có hư hỏng vĩnh viễn hoặc không thể đánh giá được các chi tiết của kết cấu sau khi kiểm tra phép thử thì phòng thử nghiệm phải sử dụng một trong hai lựa chọn, trong đó người yêu cầu thử phải cung cấp một bộ cửa hoặc một phần của bộ cửa bổ sung vào số lượng yêu cầu cho thử. Sau đó phòng thử nghiệm sẽ tự do lựa chọn mẫu thử nào trong các mẫu thử này phải được đưa vào thử và mẫu thử nào phải được sử dụng cho kiểm tra kết cấu.”(1) Quy định này được doanh nghiệp cho là sẽ gây phiền hà và làm tăng chi phí cho việc thử nghiệm.
Về thời hạn, QCVN 03:2021/BCA có ghi, Giấy chứng nhận kiểm định có giá trị đối với mẫu kết cấu, cấu kiện đã được lấy mẫu thử nghiệm của đơn vị đề nghị cấp giấy chứng nhận kiểm định. Mẫu kết cấu, cấu kiện sau khi được cấp giấy chứng nhận kiểm định được sử dụng làm mẫu để sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm đưa ra lưu thông trên thị trường. Đơn vị sản xuất, nhập khẩu chịu trách nhiệm về chất lượng của sản phẩm tương ứng với mẫu đã được kiểm định khi đưa ra lưu thông trên thị trường và quy định của pháp luật có liên quan về sản phẩm chất lượng hàng hóa. Tuy nhiên Giấy chứng nhận lại không ghi thời hạn có hiệu lực của việc thử nghiệm mẫu. Đây cũng là điểm băn khoăn của một số doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu cửa tầng thang máy tại Việt Nam.
Ngoài ra, còn có phản ánh sự hạn chế về số lượng các đơn vị có đủ năng lực tiến hành thử nghiệm để cấp kết quả chứng nhận. Con số này chỉ đếm trên đầu ngón tay trong khi số lượng mẫu thử lại rất lớn nên mất rất nhiều thời gian để các doanh nghiệp xếp hàng chờ đến lượt. Bên cạnh đó, đơn vị sản xuất lại phải tính toán, chỉnh sửa thiết kế để thử nghiệm lại rất mất thời gian và chi phí nếu quá trình thử nghiệm không đạt.
Thử nghiệm mẫu cửa tầng thang máy tại Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng khoa học kỹ thuật PCCC – Trường Đại học PCCC
Cơ quan chuyên môn nói gì?
Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Thành Long – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng khoa học kỹ thuật PCCC – Trường Đại học PCCC – Bộ Công an đã có những chia sẻ với Tạp chí Thang máy xung quanh vấn đề này.
Đã có hơn 200 tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) được ban hành ở Việt Nam (2). Trong đó có hơn 70 tiêu chuẩn quy định về yêu cầu kỹ thuật đối với các phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH. Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở kỹ thuật còn lạc hậu chưa hoàn thiện nên việc thực hiện thử nghiệm theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa đúng hoặc chưa phù hợp với điều kiện quản lý an toàn PCCC của Việt Nam. Trong khoảng thời gian dài, chỉ có 02 phòng thử nghiệm chịu lửa là Phòng thử nghiệm chịu lửa LAS XD 1471 – TT2 – Trường Đại học PCCC – Bộ Công an và Phòng Thí nghiệm Phòng chống cháy – Viện Chuyên ngành Kết cấu Công trình Xây dựng – Bộ Xây dựng đủ điều kiện thử nghiệm nguyên mẫu cửa tầng thang máy theo các tiêu chuẩn quốc tế. Còn cơ sở thử nghiệm khác chỉ mới dừng ở quy mô phòng thí nghiệm.(3) Do đó, QCVN 03:2021/BCA được ban hành giúp công tác quản lý chất lượng phương tiện PCCC của Việt Nam được rõ ràng, minh bạch và phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế.
Quy định thử nghiệm PCCC cho cửa tầng thang máy trong QCVN 03:2021
Trên cơ sở nội dung của QCVN 03:2021/BCA, đại tá Nguyễn Thành Long đã chia sẻ về những băn khoăn của các doanh nghiệp liên quan tới quy trình thử nghiệm đối với cửa thang máy.
Thứ nhất, hiện nay số lượng phòng thí nghiệm đủ điều kiện để thử nghiệm PCCC (gọi tắt là LAS-XD) đối với cửa thang máy hiện có rất ít. Các LAS-XD có yêu cầu rất cao về cơ sở vật chất, đặc biệt là các thiết bị chuyên dụng phục vụ thử nghiệm. Trong đó, việc xây dựng lò thử nghiệm phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và quy trình nghiệm thu rất khắt khe của cơ quan chuyên môn.
Thứ hai là về nhân lực, các cơ sở thử nghiệm đòi hỏi các các chuyên gia có chuyên môn sâu, có kinh nghiệm và quan trọng nhất là sử dụng thành thạo các thiết bị công nghệ chuyên dụng. Muốn đạt được trình độ như vậy cần có nền tảng kiến thức chuyên sâu về PCCC, về vật liệu, kết cấu,… Để có các chuyên gia như vậy, chúng ta phải cử cán bộ đi tập huấn tại những nước có công nghệ và trình độ cao tại châu Âu.
Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Thành Long
Theo Đại tá Nguyễn Thành Long, phản ánh về giá cả thử nghiệm cao của các doanh nghiệp là có cơ sở. Tuy nhiên nếu so sánh giá thử nghiệm tương tự ở một số nước thì giá thử nghiệm ở Việt Nam vẫn ở mức thấp hơn so với mức đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị và nhân lực như đã nêu ở trên. Đại tá Nguyễn Thành Long nhấn mạnh, theo QCVN 03:2021/BCA, tất cả cửa tầng thang máy nhập khẩu hay sản xuất trong nước đều phải được kiểm định mẫu và cấp giấy chứng nhận kiểm định theo quy định hiện hành. Đây là điều cần làm để tạo sự bình đẳng trong việc kiểm định hàng sản xuất trong nước với hàng nhập khẩu.
Còn chuyên gia Nguyễn Văn Bình, công tác tại Trung tâm Tư vấn và chuyển giao công nghệ PCCC và CNCH – Cục Cảnh sát PCCC thì tiêu chuẩn thử nghiệm cửa tầng thang máy hiện nay là TCVN 6396-58:2010 không có sự phân biệt sản phẩm sản xuất trong nước hay nhập khẩu.
Hiện nay chỉ đánh giá tính toàn vẹn (E – Integrity) đối với yêu cầu cửa đạt tiêu chuẩn E; tính toàn vẹn (E) và tính cách nhiệt (I – Insulation) đối với cửa tầng thang máy yêu cầu đạt tiêu chuẩn EI. Trong khi đó, tại một số quốc gia, ngoài việc đánh giá tính toàn vẹn và tính cách nhiệt thì còn yêu cầu thêm giới hạn về bức xạ nhiệt (W – Radiation) được đo như quy định trong EN 1363-2.
Trung tâm thử nghiệm PCCC tại Cộng hòa Pháp, nơi chuyên gia PCCC Việt Nam tập huấn
Về việc “kiểm định vượt yêu cầu” tức là có những trường hợp hồ sơ kiểm định vượt mức yêu cầu của công trình gây phát sinh chi phí cho nhà đầu tư, các chuyên gia chỉ rõ, yêu cầu về thử nghiệm PCCC các mức độ đối với cửa thang máy đã được quy định rõ trong QCVN 03:2021/BCA. Tuy nhiên, việc thử nghiệm còn có bên liên quan là tư vấn thiết kế. Nếu tư vấn có năng lực, có kinh nghiệm, họ sẽ nghiên cứu thật kỹ công trình, xem chỗ nào cần EI 30, chỗ nào EI 60 hay EI 120 để đưa ra các yêu cầu phù hợp. Nhưng cũng có đơn vị hoặc cá nhân, để chắc chắn được phê duyệt điều kiện PCCC sẽ yêu cầu thang máy đạt chuẩn cao nhất là EI 120, dẫn đến tốn kém mà đơn vị đầu tư phải gánh chịu, gây lãng phí.
Giấy chứng nhận kiểm định PCCC không ghi thời hạn
Đối với việc công nhận kết quả thử nghiệm sản phẩm của nước ngoài, Mục 3.2 của QCVN 03:2021/BCA về “Chấp thuận kết quả thử nghiệm, kiểm định quốc tế, nước ngoài” ghi rõ: “Các phương tiện phòng cháy và chữa cháy mà Việt Nam chưa có tiêu chuẩn quy định hoặc không quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật này thì Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ căn cứ điều kiện thử nghiệm theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 – Yêu cầu chung đối với năng lực của các phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn, xem xét sử dụng kết quả kiểm định của cơ quan tổ chức nước ngoài đã được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại cấp phép để xem xét cấp Giấy chứng nhận kiểm định…”
Theo chuyên gia của Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA), các quy định mới về quy chuẩn PCCC đã tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, khắc phục căn bản những hạn chế của các quy định được áp dụng trước đây. Nhưng bất kỳ chính sách, quy định nào ban hành đều phải có tính đồng bộ, có tính thực tiễn trong cuộc sống. Và để những chính sách mới phát huy hiệu quả, cần có các hướng dẫn cụ thể để tránh hiểu sai. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng tiếp thu ý kiến đóng góp, phản ánh của các đơn vị thực thi nhằm bổ sung, hoàn thiện, giúp chính sách đi vào thực tiễn cuộc sống một cách hiệu quả.
Doanh nghiệp được coi là động lực của nền kinh tế. Do vậy, chỉ khi đối tượng này được quản lý, hỗ trợ bằng các cơ chế chính sách minh bạch, có hướng dẫn cụ thể, không gây phiền hà, tốn kém,… thì mới mang lại hiệu quả sâu, rộng./.
Chú thích:
(1) Trích dẫn TCVN 6396-58:2010
(2) Theo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng
(3) Trước thời điểm ban hành QCVN 03:2021/BCA
Lê Hùng (nguồn từ tạp chí thang máy)