TCTM – Nhằm đảm bảo quyền được biết của người tiêu dùng trước khi quyết định sử dụng thang máy, nhiều quốc gia trên thế giới đã có quy định dán mã QR Code định danh thang máy nhằm cung cấp thông tin liên quan tới lý lịch thang máy, giấy phép kiểm định, thông tin sửa chữa, bảo trì,… của thang máy.
Từ kinh nghiệm quốc tế
Hệ thống Ứng dụng Thang máy và Thang cuốn (LEAP) – Singapore
Để quản lý thang máy và giải quyết những nỗi sợ hãi tiềm ẩn của người sử dụng mỗi khi bước vào thang máy, Singapore gần đây đã đưa ra những quy định liên quan tới việc dán mã QR cung cấp thông tin, lý lịch của thang máy.
Theo đó, các chủ sở hữu, nhà thầu, ban quản lý thang máy của tòa nhà,… cần phải truy cập vào Hệ thống Ứng dụng Thang máy và Thang cuốn (LEAP) do Cơ quan Quản lý Xây dựng Singapore quản lý để đăng ký thông tin thang máy từ mã hiệu, số chế tạo, nhà sản xuất, xuất xứ, năm sản xuất, nơi lắp đặt,… Ngoài ra, các thông tin liên quan tới sửa chữa, bảo trì thang máy cũng được đăng tải lên hệ thống quản lý này.
Bên cạnh đó, hệ thống này còn hỗ trợ việc xin cấp mới, gia hạn hoặc cấp lại Giấy phép Hoạt động Thang máy và Thang cuốn do Cơ quan Quản lý Xây dựng Singapore cấp phép.
Giấy phép Hoạt động Thang máy và Thang cuốn tại Singapore được gắn kèm theo mã QR để giúp người sử dụng tra cứu thông tin thang máy
Đáng chú ý, Giấy phép Hoạt động Thang máy và Thang cuốn này được gắn kèm theo mã QR Code và dán trực tiếp lên thang máy. Việc này nhằm mục đích giúp cho người dân có thể quét mã QR để xác nhận những thông tin cập nhật mới nhất về việc lắp đặt thang máy, tình trạng thang máy, ngày hết hạn Giấy phép Hoạt động, nhà thầu bảo trì,…
Như vậy, thông qua hệ thống LEAP, người tiêu dùng hoàn toàn có thể trả lời cho câu hỏi “Chiếc thang máy này có thực sự an toàn?” trước khi quyết định bản thân có nên bước vào và sử dụng chiếc thang máy này hay không.
Đây chính là một cách thức tốt để đảm bảo an toàn, đảm bảo quyền được biết của người sử dụng cũng như hỗ trợ cơ quan nhà nước trong công tác kiểm soát, giám sát hệ thống thang máy; phân tích, tìm ra nguyên nhân mỗi khi xảy ra sự cố, tai nạn thang máy,…
Hệ thống quản lý thang máy tại Hàn Quốc
Hệ thống thông tin thang máy toàn diện quốc gia, được ủy quyền và vận hành bởi Cơ quan An toàn Thang máy Hàn Quốc (KoELSA) từ Trung tâm Thông tin thang máy quốc gia và Bộ An toàn và An ninh công cộng.
Hệ thống đã hoạt động chính thức từ năm 2013, giúp minh bạch hóa thông tin trong công tác quản lý, cứu hộ, thúc đẩy Hàn Quốc trở thành quốc gia hàng đầu về an toàn thang máy.
Mã QR của thang máy – Nguồn: KoELSA
Hệ thống cũng chỉ định một mã QR cho mỗi thang máy, giống như một biển số xe, cho phép người sử dụng có thể xác minh lịch sử thang máy ở mọi lúc, mọi nơi bằng cách nhập thông tin vị trí vào cơ sở dữ liệu.
Hệ thống thông tin thang máy toàn diện cung cấp dữ liệu và lịch sử kiểm định cho từng thang máy, cho phép bất cứ ai có thể tự mình đánh giá chất lượng của thang máy mà họ sở hữu. Điều này cũng cho phép các công ty liên quan có thể cải thiện chất lượng thang máy của họ từ đó cải thiện chất lượng và độ an toàn thang máy.
Hệ thống này cũng cung cấp các thông số thang máy cũng như tình trạng kiểm định thang đạt/không đạt, thời gian kiểm định được công khai.
Tới thực tiễn Việt Nam
Việt Nam đang sử dụng khoảng 400.000 thang máy trong khoảng hơn 20 năm trở lại đây. Những thang máy với tình trạng bắt đầu xuống cấp, tuổi đời cao; những sự cố mất an toàn dẫn đến thương vong; những thang máy không được hợp quy, kiểm định vẫn “nghiễm nhiên” hoạt động mỗi ngày,…. Đây chính là hồi chuông báo động về mức nguy cấp trong an toàn thang máy.
Người sử dụng thang máy hiện nay không được biết đầy đủ thông tin về thang máy mình đang đi. Tất cả những gì người sử dụng biết về thang máy chỉ dừng lại ở chiếc tem kiểm định được gắn trên mỗi chiếc thang, có thời hạn từ 1 đến 3 năm.
Còn lại, tất cả những thông tin liên quan tới vòng đời của thang máy từ việc sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng tới những sự cố từng xảy ra, bệnh sử,… thì người sử dụng lại hoàn toàn không được cung cấp.
Rất nhiều thang máy vẫn lưu hành dù không được hợp quy hay kiểm định
Chỉ khi nào hoàn thành chuyến đi, bước ra thang máy thì người sử dụng mới thực sự “thở phào” vì đã có được một chuyến đi an toàn. Ngược lại, chỉ khi gặp sự cố, người sử dụng mới biết được rằng chiếc thang máy mình đang đi không an toàn như mình nghĩ.
Nếu không có công cụ kiểm soát chuyên nghiệp hay tiến hành số hóa như Singapore, Hàn Quốc thì những nỗi lo sợ tiềm ẩn của người sử dụng vẫn luôn thường trực mỗi khi bước vào thang máy, quyền được biết của khách đi thang máy vẫn không được đảm bảo.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người trong cuộc mà quan trọng hơn là việc khắc phục hậu quả và phòng ngừa rủi ro.
Tem kiểm định thang máy của Việt Nam (bên trái) và mã QR cung cấp thông tin thang máy của Hàn Quốc (bên phải)
Nhằm đảm bảo quyền được biết của người sử dụng, Hiệp hội Thang máy Việt Nam đang phối hợp với Cục An toàn lao động thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiến hành xây dựng hệ thống quản lý thông tin thang máy.
Thông qua hệ thống này, chủ sở hữu, quản lý thang máy sẽ cập nhật những thông tin liên quan tới lý lịch của thang máy như nguồn gốc, hợp quy, kiểm định, bảo trì định kỳ, bệnh sử,… Và tất cả những thông tin này sẽ được công khai tới người sử dụng thông qua việc quét mã định danh QR Code của từng thang máy.
Không chỉ góp phần cải thiện nhận thức của người dân về an toàn thang máy, hệ thống này sẽ thiết lập nên một “môi trường tự điều chỉnh” giữa người sử dụng và cơ quan, bộ phận quản lý thang máy.
Cụ thể, việc quét mã QR định danh thang máy sẽ giúp người sử dụng xác nhận thang máy đã được cấp phép hay chưa, có đảm bảo an toàn hay không? Hay thậm chí phản hồi những bất cập trong quá trình sử dụng thang tới hệ thống quản lý để nhanh chóng khắc phục sự cố.
Hội thảo “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành thang máy Việt Nam” do Hiệp hội Thang máy Việt Nam tổ chức
Ngược lại, thông qua những phản ánh về những bất cập, sự cố trong quá trình sử dụng thang máy của người dân, các doanh nghiệp, công ty, ban quản lý thang máy sẽ phải tự nỗ lực cải thiện chất lượng, độ an toàn của thang máy hơn nữa.
Đồng thời, hệ thống thông tin thang máy cũng hỗ trợ cơ quan quản lý trong việc kiểm tra, giám sát hệ thống thang máy, nhanh chóng vào cuộc xử lý, tìm ra nguyên nhân khi xảy ra sự cố.
Và như vậy, với việc số hóa hệ thống thông tin thang máy trên cơ sở dữ liệu của Hiệp hội Thang máy Việt Nam, quyền được biết của người sử dụng hoàn toàn có thể được đảm bảo bằng việc quét mã QR, rà soát thông tin trước khi quyết định bước vào thang máy hay không.
Thông qua việc quét mã QR, người sử dụng có thể dễ dàng tra soát thông tin thang máy
Linh Phương
Nguồn trích từ Tạp chí thang máy (https://tapchithangmay.vn/quyen-duoc-biet-cua-nguoi-di-thang-may/)