Tin tức - Sự kiện

Dấu ấn thang máy ngoại tại các công trình Việt

18/08/2023

PV: Thưa Tổng Giám đốc Trần Thọ Huy, có thể nói ông là người gần như đã gắn bó cả đời mình với ngành thang máy, chứng kiến những thương hiệu thang máy ngoại đầu tiên được lắp đặt tại Việt Nam. Liệu ông có thể đem tới độc giả của Tạp chí Thang máy những thông tin quý giá trên?

Ông Trần Thọ Huy: Từ thời Pháp thuộc, đã có những chiếc thang máy đầu tiên nhập vào Việt Nam, tôi không có nhiều thông tin về những công trình ở phía Bắc nhưng tôi đã có cơ hội được xem trực tiếp hai chiếc thang máy hiệu Otis được lắp đặt tại Phủ Chủ tịch (xưa là Phủ Toàn quyền Đông Dương, khánh thành năm 1906) trong một chuyến tham quan vào năm 1994.

Đây là thang máy có cửa kiểu song sắt mở bằng tay, lúc đó đã dừng hoạt động. Không biết hiện nay ra sao – có thể vẫn giữ nguyên trạng, cũng có thể đã được cải tạo hoặc thay mới.

 
 
 
 

Còn đối với khu vục miền Nam, cụ thể là Sài Gòn vào những năm 1960, thời điểm này Edoux-Samain là thương hiệu thang máy phổ biến nhất. Đây là công ty thang máy nổi tiếng của Pháp thành lập 1912 bằng việc sát nhập Công ty Edoux et với Công ty Pierre Samain, lấy tên là Edoux-Samain. Edoux et chính là hãng thang máy lắp đặt chiếc thang tại tháp Eiffel nổi tiếng vào năm 1884.

Các thang máy của thương hiệu này được lắp đặt tại các khách sạn sang trọng thời đó, và hầu hết nằm trên đường Đồng Khởi, Lê Lợi và các cao ốc của người ngoại quốc. Đây là kiểu thang máy chạy một tốc độ (30m/phút) hoặc hai tốc độ (45 hoặc 60m/phút) – chạy bình thường với tốc độ cao, khi sắp dừng tầng, chuyển qua tốc độ chậm.

Thang không có cửa trong, cửa ngoài mở bằng tay, kiểu bản lề, có khóa cửa và tiếp điểm khá an toàn (kiểu cửa này đến nay một số thang mới lắp vẫn sử dụng, có cơ cấu an toàn tốt). Với giới quy tộc, thượng lưu luôn có người phục vụ đi kèm, việc đóng-mở cửa thủ công là cơ hội để các bậc trưởng giả thể hiện sự giàu sang, quyền uy.

PV: Vào những năm đầu của thập kỷ 1960, Mỹ trực tiếp đem quân viễn chinh tới Việt Nam để tham chiến, các công trình phục vụ cho người Mỹ xuất hiện ngày càng nhiều tại Sài Gòn và các đô thị tại miền Nam. Liệu điều này đã tạo cơ hội cho các thang máy Mỹ xuất hiện tại Nam Việt Nam, thưa ông?

Ông Trần Thọ Huy: Thang máy phát triển ở Mỹ và châu Âu trước chúng ta khá lâu. Khi người Mỹ quyết định “Chiến tranh cục bộ” kéo quân sang Việt Nam thì đồng nghĩa với việc họ phải đổ một khối lượng tiền bạc vào Việt Nam. Và thang máy phục vụ người Mỹ và binh lính Mỹ chỉ là số nhỏ trong số đó, tất nhiên tiền của người Mỹ nên các nhà thầu Mỹ được ưu tiên.

Tôi nhớ một số khách sạn cao tầng được mọc lên để phục vụ quân đội Mỹ, như khách sạn Palace, Rex, Bát Đạt, Phoenix… hay một số cao ốc cho quân đội Mỹ thuê dài hạn như: Prudental, Nguyễn Tấn Đời, 18 Nguyễn Công Trứ… Một số bệnh viện như: Bệnh viện Vì Dân (nay là Bệnh viện Thống Nhất), Bệnh viện 30/4, Bệnh viện Chợ Quán đã được lắp đặt thang máy Otis, một thương hiệu nổi tiếng của Mỹ.

 
 
 
 

PV: Chỉ có các thang máy Nhật Bản hay châu Âu nằm trong gói viện trợ trọn gói mới có cơ hội có mặt tại Nam Việt Nam?

Ông Trần Thọ Huy: Họa hoằn lắm chúng ta mới thấy những thương hiệu thang máy khác. Có thể kể đến như ngay trước cột mốc Giải phóng miền Nam 1975, cụ thể là từ năm 1971 đến năm 1974, Bệnh viện Chợ Rẫy đã được xây mới trên diện tích 53.000 m² cùng với trang thiết bị hiện đại, do Chính phủ Nhật Bản viện trợ. Do là viện trợ của Nhật Bản nên nơi đây được cung cấp, lắp đặt 8 thang máy hiệu Mitsubishi, có lẽ cũng là các thang máy Nhật đầu tiên lắp đặt tại Việt Nam, hoàn thành trước ngày 30/4/1975.

Trước đó nữa, Dinh Độc lập (xây dựng 1962 và được khánh thành năm 1966, nay là Dinh Thống Nhất) do Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế theo phong cách Ý, nên cũng sử dụng nhiều sản phẩm từ Ý, trong đó có nhập về 3 thang máy thương hiệu Sabeam – một hiệu thang máy nổi tiếng của quốc gia này, lúc đó vẫn còn điều khiển kiểu 2 tốc độ.

Sau này Sabeam bán lại cho Tập đoàn ThyssenKrupp (Đức), hãng thang ThyssenKrupp chính thức có mặt tại Việt Nam vào năm 1994. Còn với các thang máy của Sabeam tại Dinh Thống Nhất giờ đây cũng đã được thay bằng thang mới, cửa tự động.

 
 

Hình ảnh Dinh Độc Lập vào những năm 1970

 
 
 
 

Thời kỳ 1975-1994, do lệnh cấm vận của Mỹ nên ngành thang máy Việt Nam không mấy phát triển. Nhưng không vì thế mà ông chủ hãng thang máy Thiên Nam lại quên đi những dấu ấn trong ký ức, đó thực sự là những kỷ niệm đẹp trong quá trình phát triển.

PV: Tảng băng lạnh lẽo giữa hai nước Việt Nam – Mỹ trong suốt thời kỳ cấm vận đã khiến nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn. Liệu có công trình cao ốc mới nào được xây dựng cũng như liệu có sự xuất hiện thang ngoại trong giai đoạn này hay không, thưa ông?

Ông Trần Thọ Huy: Ở khu vực miền Bắc, theo tôi nhớ thì có vẻ như Bệnh viện Nhi Thụy Điển (nay là Bệnh viện Nhi Trung ương) là nơi có thang máy đầu tiên được lắp đặt ở miền Bắc sau năm 1975. Bệnh viện Nhi Thụy Điển, cao 8 tầng được khánh thành vào ngày 16/3/1981. Đây là bệnh viện liên hoàn, đồng bộ và hiện đại nên không thể thiếu thang máy. Bệnh viện Nhi Thụy Điển khi đó lắp 3 thang của hãng Kone (Phần Lan).

Trước khi Mỹ chấm dứt lệnh cấm vận thì thang máy Kone cũng đã xuất hiện ở Việt Nam, nằm trong gói viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Thụy Điển giành cho Việt Nam khắc phục hậu quả sau chiến tranh. Một điểm chung là các thang này đều kiểu chạy 2 tốc độ, cửa bản lề mở bằng tay, không có cửa trong, tốc độ thang tối đa khoảng 1 m/s. Thang này sử dụng đến năm 2007 mới phải thay thế.

 
 
 
 

Sau đó là hai chiếc thang máy của Khách sạn Thăng Long được khánh thành vào giữa những năm 1980 – tòa nhà cao nhất Hà Nội với 11 tầng vào thời điểm đó. Đây là nhà cao tầng phân cho cán bộ cao cấp nhưng sau đó chuyển đổi công năng sử dụng thành khách sạn.

Ban đầu, tòa nhà này lắp hai thang máy do Hungary sản xuất. Hai thang máy nằm trong lô hàng hơn chục chiếc thang do UMEXCO Hà Nội nhập khẩu. Các thang máy này thiết kế theo phong cách thang máy của Pháp được sử dụng nhiều trong những năm 1960 như tôi đã đề cập ở phần trên.

Đến tháng 8/1992, Khách sạn Thăng Long đổi tên thành Khách sạn Hà Nội. 4 năm sau đó, cái tên “tòa nhà 11 tầng” đã bị xóa sổ khi khách sạn xây dựng thêm một tòa nhà 18 tầng nằm liền kề.

PV: Theo tôi được biết, năm 1984 ông từng là người tham gia chỉ huy lắp đặt hai chiếc thang Otis của Khách sạn Hà Nội, thay thế cho thang cũ?

Ông Trần Thọ Huy: (cười, tự hào) Thời điểm ấy, phía Bắc không có nhiều cán bộ kỹ thuật thang máy nên khi UMEXCO Hà Nội nhập thang về mà chịu chết, đành “cầu cứu” Công ty Trang thiết bị Nhà cao tầng TP HCM (Công ty thuộc Sở Nhà đất TP HCM) – nơi tôi từng làm việc, ra lắp ráp và vận hành.

Công ty tôi từng tiếp quản cơ sở của một công ty đại lý OTIS trước năm 1975 và có nhiệm vụ bảo trì, sửa chữa thang máy, máy bơm nước,… cho nhà cao tầng nên có thể đảm nhận được công việc khó khăn này.

Năm 1984, tôi được Công ty Trang thiết bị Nhà cao tầng TP HCM cử làm tổ trưởng. Tôi và anh em đã vất vả chuẩn bị vài tháng, mua vật tư thiết bị của thang Otis còn trôi nổi ngoài thị trường để lắp đặt 2 tủ điện chuyên chở ra Hà Nội và kéo quân ra Hà Nội lắp đặt mất 4 tháng trời mới vận hành được 2 thang máy trên.

Sau khi Việt Nam đăng cai cuộc họp Hội đồng Tương trợ kinh tế (SEV – còn gọi là tổ chức hợp tác kinh tế của các quốc gia thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn 1949 – 1991) tại Khách sạn Hà Nội, tôi cũng được yêu cầu ra trực kỹ thuật trong suốt quá trình tổ chức sự kiện quan trọng này.

PV: Chắc đến nay, người ta đã thay thế chiếc thang này?

Ông Trần Thọ Huy: Vâng, hiện nay Khách sạn Hà Nội sử dụng thang Nippon của Nhật Bản.

 
 
 
 

PV: Nippon, tôi nghe nói hãng thang máy của Nhật Bản xuất hiện ở Việt Nam ngay trong giai đoạn nước ta đang chịu lệnh cấm vận của Mỹ. Ông có thể chia sẻ thêm về sự xuất hiện của thương hiệu này?

Ông Trần Thọ Huy: Nippon, hãng thang máy này đã xuất hiện tại Việt Nam ngay cả trong thời điểm đất nước vẫn còn bị cấm vận, một câu chuyện ly kỳ. Một điều khá thú vị là thời điểm thang máy Nippon xuất hiện ở Việt Nam trùng với giai đoạn Đảng Cộng sản Nhật Bản do Chủ tịch Kenji Miyamoto đứng đầu đang có uy tín ở chính trường đất nước mặt trời mọc.

Chính bởi thế nên tôi nghĩ rằng, ông chủ hãng thang Nippon đã làm được việc mà không nhiều người dám làm, có lẽ xuất phát từ tình yêu Việt Nam hơn là lợi ích thương mại mang lại.

 
 
 
 

Một thời, thang máy Nippon độc chiếm thị trường Việt Nam với các công trình tiêu biểu, nhất là hệ thống các khách sạn của Saigontourist như: Continental, Rex, Majestic, Bát Đạt, Arc-en-Ciel (Thiên Hồng), Đồng Khánh, Hòa Bình, hay Văn phòng Saigontourist,…

Vào thời điểm đó, một công ty chuyên xuất nhập khẩu của Saigontourist cũng cung cấp thang này cho các công trình tại Vũng Tàu như: Hotel Palace, Rex Vũng Tàu, Thiên Thai, Hải Âu; Cảng vụ Vũng Tàu…tại Đà Nẵng hay Huế cũng có các công trình: Khách sạn Hương Giang, Phương Đông…

Đến nay, thang máy Nippon đã để lại dấu ấn về dòng thang máy hoạt động hiệu quả và bền bỉ tại các công trình tiêu biểu: Văn phòng Quốc hội, Nhà khách Trung ương Đảng, Đại sứ quán Nhật Bản,…

 
 

PV: Tất nhiên vì thế cái giá thang máy vào thời ấy sẽ khá chát, thưa ông?

Ông Trần Thọ Huy: Thời điểm này, thang máy chủ yếu được lắp đặt cho các công trình công cộng vì giá nhập nguyên chiếc khá đắt. Tôi nhớ thang máy Nippon khi tại thị trường Việt Nam với 5-8 điểm dừng, tốc độ chỉ 1m/s mà giá CIF (PV – giá CIF là giá tại cửa khẩu của bên mua hàng, đã bao gồm chi phí vận chuyển và bảo hiểm hàng hóa đến cửa khẩu bên nhận hàng) đã phải từ 60.000 USD đến 90.000 USD (đây là số tiền khổng lồ thời điểm đó, quy ra giá trị có thể tương đương 90 – 150 tỷ bây giờ).

 
 

Đến năm 1990, một hãng thang máy (nhỏ) của Pháp Soretex vào thị trường Việt Nam, giá bán cũng khá cao nhưng cạnh tranh được với Nippon. Sau này Thyssen mua công ty này và đổi thành ThyssenKrupp.

Tính ra, thang máy là thiết bị đắt nhất trong toàn bộ công trình xây dựng thời bấy giờ, đó cũng là lý do vì sao nhà riêng không ai nghĩ đến việc lắp thang.

PV: Có vẻ như đây cũng là thời điểm mà dấu ấn của chuyên gia thang máy Trần Thọ Huy bắt đầu “tả xung, hữu đột”…

Ông Trần Thọ Huy: Tôi ban đầu gắn bó với Công ty TNHH Tự động (TDE-1992) sau đó đứng ra thành lập Công ty Cổ phần Thang máy Thiên Nam (TNE- 1994).

 
 

Ngoài việc lắp đắt các công trình trong Nam, ngoài này tôi cũng tham gia lắp đặt các thang máy trong hệ thống khách sạn của Saigontourist, trụ sở UBND TP Hà Nội, Bưu điện Thành phố.

Công ty Thiên Nam chúng tôi là nhà phân phối cho thương hiệu Gold Star – LG của Hàn Quốc. Thời điểm mới thành lập, mục tiêu của chúng tôi là vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm quản trị và công nghệ sản xuất thang máy. Sau đó, chúng tôi mới bắt đầu chuyển sang nghiên cứu, sản xuất thang máy Việt.

 
 

Tác giả: An Thanh

Thiết kế: Trịnh Giang

(nguồn từ Tạp Chí Thang Máy https://tapchithangmay.vn/dau-an-thang-may-ngoai-tai-cac-cong-trinh-viet/ )

PS: Ông Trần Thọ Huy - Chủ tịch kiêm Tổng Giám Đốc Công ty cổ phần thang máy Thiên Nam - tốt nghiệp Khoa Điện, Trường Đại học Bách Khoa TP HCM. Ông được tiếp xúc với thang máy lần đầu tiên vào thời điểm Nhật Bản chuyển giao hệ thống 10 chiếc thang máy cho Bệnh viện Chợ Rẫy.

Sau 9 năm gắn bó với Bệnh viện Chợ Rẫy, năm 1984 ông Huy về công tác ở Xí nghiệp Nhà cao tầng, sau đó là Cơ sở Sửa chữa thang máy tự động năm 1987. Đến năm 1994, khi Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân phát triển, dù chưa có nhiều kiến thức về kinh doanh, ông Huy đã quyết định thành lập TNE.

Có thể nói, TNE là một trong những công ty thang máy “lập ngành” đầu tiên của Việt Nam. TNE hoạt động ở tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng thang máy, từ thiết kế, sản xuất, phân phối sản phẩm và cung cấp dịch vụ sau bán với gần 1000 nhân viên và cung cấp dịch vụ cho gần 10,000 thang máy khắp cả nước.

Các tin khác

Khuyến cáo đặc biệt khi đi thang cuốn

Khuyến cáo đặc biệt khi đi thang cuốn

Đi bộ trên thang cuốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dễ xảy ra tai nạn, cùng tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này theo ý kiến chuyên gia đến từ Nhật Bản

Xem thêm
Chính thức công bố Tiêu chuẩn cơ sở đầu tiên của ngành thang máy

Chính thức công bố Tiêu chuẩn cơ sở đầu tiên của ngành thang máy

Sáng 27/3 tại Hà Nội, Hiệp hội Thang máy Việt Nam chính thức công bố Tiêu chuẩn cơ sở đầu tiên của ngành thang máy. Đây là tiêu chuẩn cơ sở về yêu cầu an toàn chung trong quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy.

Xem thêm
Doanh nghiệp thang máy Việt loay hoay tìm hướng đi

Doanh nghiệp thang máy Việt loay hoay tìm hướng đi

Có thể nói rằng thang máy là ngành trì trệ nhất trong tất cả các lĩnh vực của thời đại 4.0 hiện nay. Công nghệ, mô hình quản lý, chiến lược kinh doanh,… của các doanh nghiệp cơ bản là giống nhau và cũng không khác mấy so với 20 năm trước.

Xem thêm
Không được sử dụng thang máy khi xảy ra hỏa hoạn

Không được sử dụng thang máy khi xảy ra hỏa hoạn

Trong tình huống hỏa hoạn, đặc biệt là khi xảy ra ở các tầng trên cao của tòa nhà, tự nhiên hầu hết mọi người sẽ lựa chọn sử dụng thang máy để di chuyển. Tuy nhiên, việc sử dụng thang máy để rời khỏi tòa nhà trong tình huống này là một quyết định rất nguy hiểm có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho những người bị ảnh hưởng bởi vụ cháy.

Xem thêm
Các tiêu chí phân loại thang máy

Các tiêu chí phân loại thang máy

Thang máy hiện nay được sản xuất với nhiều kiểu dáng, loại hình khác nhau, đáp ứng nhu cầu sử dụng đa dạng của từng công trình. Dựa trên tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về thang máy, có thể phân loại thang máy theo các nguyên tắc và tiêu chí như công năng sử dụng, nguồn gốc xuất xứ,…

Xem thêm
Quy trình cứu hộ thang máy

Quy trình cứu hộ thang máy

Hiểu biết về quy trình cứu hộ thang máy giúp cả người sử dụng và lực lượng trực kỹ thuật tại chỗ, lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp nắm rõ được quy trình, cách phản ứng với tình huống và đảm bảo an toàn nhất cho sức khỏe con người và tài sản.

Xem thêm
Nơi an toàn nhất khi thang máy gặp sự cố

Nơi an toàn nhất khi thang máy gặp sự cố

TCTM – Theo lý thuyết nếu thang máy gặp sự cố thì nơi an toàn nhất là bên trong cabin thang máy. Điều này đúng ngay cả khi thang máy không gặp sự cố.

Xem thêm
Quyền được biết của người đi thang máy

Quyền được biết của người đi thang máy

TCTM – Nhằm đảm bảo quyền được biết của người tiêu dùng trước khi quyết định sử dụng thang máy, nhiều quốc gia trên thế giới đã có quy định dán mã QR Code định danh thang máy nhằm cung cấp thông tin liên quan tới lý lịch thang máy, giấy phép kiểm định, thông tin sửa chữa, bảo trì,… của thang máy.

Xem thêm
Ai đang sửa thang máy nhà bạn?

Ai đang sửa thang máy nhà bạn?

TCTM – Ngoài quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của thang máy, người tiêu dùng và doanh nghiệp cũng cần chú trọng tới trình độ, chất lượng của kỹ thuật viên thực hiện trực tiếp các công việc lắp đặt, sửa chữa và bảo trì thang máy.

Xem thêm

CÔNG TY CP THANG MÁY THIÊN NAM

1/8C Hoàng Việt, Phường 4 , Quận Tân Bình, Hồ Chí Minh

Tel: (84.028) 5449 0210 - Fax: (84.028) 5449 0208 - Email: info@tne.vn

Hotline tư vấn lắp đặt: 1900 6961 (từ 6h - 22h)

Hotline bảo trì sữa chữa: 1900 2034 (phục vụ 24/24)

Giấy phép ĐKKD: 0300908346 do Sở KHĐT TP.HCM cấp ngày 09/06/200. 

                  

Đăng ký nhận báo giá

1900 69 61

https://zalo.me/0903814354