Phát biểu tại buổi họp báo ngày 27/3/2024, tại Hà Nội, ông Nguyễn Hải Đức, Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam cho biết thang máy có thể bị trục trặc, sự cố ở bất cứ đâu, từ nhà ở, chung cư tới các tòa văn phòng, trung tâm thương mại. Mặc dù không nằm trong danh sách các tai nạn thường gặp như hỏa hoạn hay tai nạn giao thông, song nó vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao đe dọa sức khỏe và tính mạng con người. Sự cố có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như lỗi cửa thang máy, hệ thống phanh an toàn bị lỗi, sự cố điện/cơ khí… hay thậm chí là do các loại thang máy tự chế, không đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn vẫn “nghiễm nhiên” hoạt động.
Do đó, Hiệp hội đã chủ trình quy hoạch, lập kế hoạch và tiến hành rà soát, giao cho Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy dự thảo, xây dựng TCCS ngành thang máy.
|
Ông Nguyễn Hải Đức, Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam phát biểu tại buổi họp báo (Ảnh: Anh Tuấn) |
Trong khi đó, ông Nguyễn Huy Tiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Thang máy Việt Nam chia sẻ TCCS 01:2023/VNEA lấy thang máy làm cốt lõi, người sử dụng thang máy làm trung tâm, tiêu chuẩn ngành, đồng thời hướng đến mục tiêu giải quyết các vấn đề của các bên liên quan trong việc đảm bảo an toàn thang máy: Chủ sở hữu, người sử dụng thang máy, các cơ quan quản lý nhà nước, các cá nhân công tác trong ngành và cả xã hội.
TCCS lấy tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) làm gốc, bổ khuyết cho TCVN, phù hợp với tình hình thực tế văn hóa và khả năng phát triển công nghệ trong nước, giúp hoàn thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh theo xu thế và yêu cầu thực tiễn.
Các tiêu chuẩn, yêu cầu về công việc phải thực hiện để đảm bảo thang máy hoạt động an toàn và bền lâu, bao gồm 4 nội dung chính: Công việc chi tiết của dịch vụ kỹ thuật thang máy bao (kiểm tra kỹ thuật định kỳ, bảo trì, cứu hộ khẩn cấp, sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn, hiện đại hóa thang máy…); Yêu cầu chủ sở hữu thang máy và người sử dụng thang máy cần thực hiện đảm bảo điều kiện vận hành, tuân thủ nội quy, các hành vi cần thực hiện trong quá trình sử dụng và tình huống khẩn cấp…; Yêu cầu đối với đơn vị chuyên môn về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, tổ chức sắp xếp nhân sự, kế hoạch về định mức công việc, định mức nhân sự đáp ứng công việc…; và Yêu cầu về trình độ nhân sự kỹ thuật thang máy theo vai trò chức năng như từ nhân viên kỹ thuật (vận hành, bảo trì) đến chuyên gia tổ chức, quản lý.
Ngoài ra, đây cũng là tài liệu chính thức đầu tiên tại Việt Nam tập trung vào nội dung khuyến cáo tuổi thọ thiết bị - vấn đề quan trọng trong vận hành thang máy dựa trên nghiên cứu, đánh giá và tổng hợp cụ thể. Từ đó, chủ sở hữu hay cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở để thiết lập ngân sách và mức giá cho việc bảo trì, sửa chữa cũng như tổ chức các bộ phận quản lý và vận hành thang máy đúng cách.
TCCS 01:2023/VNEA cũng cung cấp hệ thống mã định danh thang máy (hệ thống tra cứu mã ID và QRcode) giúp minh bạch hóa thông tin về tình trạng thang máy và gia tăng hiệu quả trong công tác quản lý, sửa chữa, cứu hộ… của người tiêu dùng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
Đánh giá cao về mã định danh thang máy do Hiệp hội Thang máy Việt Nam thực hiện, ông Vũ Tiến Thành, Trưởng phòng Quy chuẩn kỹ thuật và Kiểm định kỹ thuật an toàn, Cục An toàn Lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết đây cũng là nội dung mà Bộ có kế hoạch triển khai từ nhiều năm nay. Thực tế, đơn vị đã xây dựng được hệ thống dữ liệu về kiểm định thang máy song để toàn diện cả về vận hành, sử dụng thì chưa.
Còn ông Phùng Quang Minh, Trưởng phòng Tổng hợp Kế hoạch, Ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN/TC 178 "thang máy, thang cuốn và băng tải chở người" thuộc Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam cho rằng: “Các tiêu chuẩn quốc gia chủ yếu được áp dụng tự nguyện từ các cá nhân, tổ chức. Điều này rất cần thiết bởi đáp ứng nhu cầu thực tế của ngành, của xã hội. Chúng tôi đánh giá cao và ủng hộ Hiệp hội Thang máy Việt Nam trong việc xây dựng các TCCS ngành, từ đó có thể đánh giá để nâng các tiêu chuẩn cơ sở này bổ sung vào hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN”.
Tiêu chuẩn Việt Nam về thang máy phát hành lần đầu vào năm 1993 và luôn được bổ sung, sửa đổi, phù hợp với thông lệ quốc tế. Phiên bản phổ biến, bao quát nhất được ban hành năm 2017, tập trung chủ yếu vào các yêu cầu an toàn về thiết kế và lắp đặt, chưa có hoặc chưa có đầy đủ các yêu cầu an toàn chung trong quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy./.
Anh Tuấn (trích nguồn từ báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam https://dangcongsan.vn/khoa-hoc/viet-nam-lan-dau-co-tieu-chuan-co-so-ve-thang-may-662007.html)