Rất khác với người dân ở nhiều nước, cộng đồng người Việt chưa hề có quy định nào về hành xử văn hóa khi sử dụng các loại thang máy, thang cuốn công cộng cả. Có lẽ các nhà quản lý văn hóa xem việc quan tâm đến vấn đề này là tiểu tiết nên không đặt ra.
Bạn có đủ kiên nhẫn chờ thang máy này mở ra và những người bên trong bước ra ngoài ?
Hậu quả là bất kỳ người nước ngoài nào khi muốn sử dụng các thang máy ở Việt Nam, đều nơm nớp nỗi lo sẽ bị va chạm 1 cách không cần thiết.
Thang ta, ta đi !
Ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc sở TT&TT Đà Nẵng có lần than cùng người viết: “Chỉ cần nhìn vào cách sử dụng thang máy của các bạn trẻ bây giờ, là đủ hiểu chúng ta còn lâu mới dám chen vai ra ngoài quốc tế”.
Ông Sơn kể, nhiều lần ở trong thang máy của tòa nhà làm việc, ông phải giật mình khi cửa thang vừa mở, là 3 – 4 bạn trẻ lập tức đâm sầm vào, ồn ào nói chuyện và không đếm xỉa rằng có ai đang ở bên trong hay sẽ bước ra ngoài không. Đến khi nhận thấy có lãnh đạo đứng cùng, họ mới chịu nín lặng một chút, và sau khi ông bước ra ngoài, buồng thang máy lại vang lên những tiếng cười đùa “vô tổ chức”.
Có thể nói, cung cách hành xử chen lấn khi dùng thang cuốn, sấn sổ xông vào thang máy… của nhiều người Việt, đặc biệt là các bạn trẻ, như đã trở thành căn bệnh kinh niên không có thuốc đặc trị.
Thang cuốn luôn là nơi thể hiện văn hóa chen lấn của nhiều người Việt.
Dù ở bất cứ đâu, là bệnh viện hay khu chung cư, cao ốc cao cấp hay ngay trong trường học, miễn là có xuất hiện thang máy, là lập tức cộng đồng ở đó nảy sinh vấn đề hành xử giao tiếp quanh thang máy.
Mà kết quả, là chính những bạn trẻ ấy, lại thường hay kết luận lên án hành vi “sấn sổ xông vào thang máy” là không chấp nhận được.
Cần sự chuẩn hóa ?
Ông Mai Đăng Hiếu, Phó giám đốc Sở Ngoại vụ Đà Nẵng cũng nhìn nhận, lối hành xử “văn hóa thang máy” của nhiều người Việt thật sự không giống ai.
Một người đàn ông ngoại quốc bình tĩnh chờ thang máy tại khách sạn Novotel Đà Nẵng
Cụ thể như với những người Nhật, khi đi thang cuốn, họ luôn đứng bên phải, dù chỉ có 1 mình; hay muốn đi thang máy, họ sẽ dừng đợi cách cửa thang máy tận 2 mét, đợi người bên trong bước ra hết mới đi vào.
Cửa thang máy, lối lên xuống cầu thang, lối vào xe điện ngầm… của các nước đều có quy định kẻ vạch phân luồng vào ra rất rõ rang. Bất kỳ ai khi sử dụng các tiện ích công cộng này, cũng biết rõ người bên ngoài đi vào sẽ đứng chờ ở 2 bên, còn người bên trong đi ra luôn bước thẳng ở giữa.
Tại sao cho đến nay, những quy ước đã trở thành quy chuẩn chung như thế lại không được thể hiện và học tập ở Việt Nam ? Thậm chí rất nhiều tòa cao ốc to đẹp, có hệ thống thang máy cực kỳ hiện đại và thông minh, cũng không hề có được những đường kẻ vạch lối vào ra tại thang máy, thang cuốn như vậy ?
Vệt kẻ vạch phân tuyến người vào ra ở các thang máy, tàu điên ngầm các nước rất minh bạch.
Đáng nói hơn nữa, là như tương đồng với sự bất cập ấy, phần lớn người Việt lại không có lối hành xử đúng mực và hợp cách khi sử dụng các phương tiện và tiện ích công cộng. Cảnh tượng tranh nhau, lấn chèn, sấn sổ bước vào thang máy vẫn phổ biến 1 cách trầm trọng.
Thật sự đã đến lúc, cộng đồng xã hội cần được chuẩn hóa văn hóa hành xử ở chính ngay những thiết bị, phương tiện quen thuộc nhất, như chiếc thang máy.
“Nhiều người chuyên khoe đi đông đi tây, nhưng qua cửa kính không biết cầm giữ cửa để khép lại sau lưng, vào thang máy thì sấn sổ vội vàng, đi thang cuốn thì đứng ngay giữa lối còn bày đồ đạc ngang ra; rồi đứng đâu cũng khạc nhổ, gãi khắp nơi, ngáp ợ… thì thật sự không thể hiểu nổi, chúng ta đang xây dựng những nếp sống văn hóa kiểu gì ?”. Ông Kim Sơn phàn nàn như vậy.
Đã đến lúc nên chuẩn hóa hành động đi thang máy, thang cuốn của nhiều người Việt.
Vậy nên, phải chăng để nghĩ đến 1 môi trường giao tiếp, làm việc và sinh hoạt tốt hơn cho mọi người Việt, cộng đồng cần ghi nhận từ 1 câu hỏi đơn giản nhất:
- Bạn có sấn sổ vào thang máy ?
Trích từ Internet (http://bizlive.vn/song/thang-may-va-van-hoa-nguoi-di-bo-280950.html)