Có 5 loại thang máy với kích cỡ và mục đích vận chuyển khác nhau
Thiết bị không thể thiếu thời hiện đại
Chiếc thang máy sử dụng điện đầu tiên trên thế giới ra đời vào khoảng cuối thế kỷ 19. Sáng chế này đã giúp con người tiết kiệm rất nhiều công sức khi phải di chuyển hoặc vận chuyển hàng hóa lên xuống giữa các tầng nhà.
Ngày nay, khi nhà cao tầng phát triển khắp nơi trên thế giới, thang máy là thiết bị không thể thiếu.
Có 5 loại thang máy với kích cỡ và mục đích vận chuyển khác nhau: chở khách, vận chuyển hàng hóa, phục vụ chuyên dụng, sử dụng ở nhà riêng và loại cá nhân chỉ dành riêng cho công nhân kỹ thuật, nhân viên vận hành và bảo trì ở những nơi như nhà máy thủy điện, tháp, công trình ngầm dưới mặt đất...
Riêng về thang máy vận chuyển hàng hóa, đây là loại ngày càng phổ biến với doanh số toàn cầu năm 2015 lên đến 88 tỉ đôla Mỹ. Chúng có kết cấu rất vững chắc và không cần phải đẹp mắt, tiện nghi như thang máy chở người.
Hệ thống truyền động chủ yếu sử dụng cáp kéo hoặc bơm thủy lực. Thang có cửa mở-đóng thủ công và bề mặt bên trong được gia cố để chống hư hỏng khi vận chuyển các loại hàng hóa khác nhau.
Thang máy loại này có sức nâng rất lớn, có loại đến 30 tấn, dùng để vận chuyển nhiều loại hàng hóa, cụm máy móc, thậm chí cả xe tải.
Thang máy chở được cả xe hơi
Dù các nước đã ban hành những quy định an toàn thang máy rất nghiêm ngặt, nhưng với số lượng thang máy nhiều như thế, dĩ nhiên là không tránh khỏi những tai nạn hiểm nghèo trong quá trình lắp đặt và vận hành.
Tại Mỹ, con số do Cơ quan An toàn Lao động và Bộ Lao động cho biết hàng năm có khoảng 31 người chết và 17.000 người bị thương nặng do các tai nạn liên quan đến thang máy.
Nguyên nhân tử vong thường do rơi xuống hầm thang máy (chiếm 56%), do mắc kẹt khi thang máy đang vận hành (18%), bị thang máy hay quả tạ đối trọng đè chết (16%).
Làm sao đảm bảo an toàn?
Ở Việt Nam, với việc sử dụng thang máy rộng khắp trong các nhà cao tầng, cần thực thi nghiêm túc những biện pháp an toàn để tránh các tai nạn thương tâm như vụ việc ở Hà Nội vừa qua.
Đảm bảo an toàn khi thi công lắp đặt, sửa chữa bảo trì:
- Hướng dẫn kỹ lưỡng các công nhân và người sử dụng thang máy hiểu rõ các quy định an toàn trong quá trình lắp đặt, vận hành, sửa chữa bảo trì: cắt nguồn điện khi tiến hành sửa chữa, bảo trì, quy trình an toàn khi làm việc trong không gian chật hẹp như hầm thang máy, đeo dây bảo hiểm chống rơi khi làm việc trên nóc hầm thang máy;
- Nhà thầu phải cung cấp đầy đủ thiết bị và dụng cụ bảo hộ cho công nhân làm việc nơi thang máy và phải giám sát chặt chẻ xuyên suốt quá trình làm việc của công nhân;
- Nhà thầu chỉ được sử dụng những công nhân lành nghề, đủ trình môn chuyên môn khi lắp đặt, sửa chữa, bảo trì thang máy;
- Lập rào che chắn khu vực có quả tạ làm đối trọng kéo thang máy khi thi công, không để công nhân sơ ý bước vào khu vực đó;
- Lập rào chắn khu vực thi công với biển và đèn cảnh báo, ngăn chặn người không có phận sự xâm nhập vào hiện trường thi công.
Đảm bảo an toàn khi xếp dỡ hàng hóa trong thang máy:
- Phải sử dụng nhân lực có chuyên môn vận hành xe nâng xếp dỡ hàng vào thang máy;
- Bao gói cẩn thận các kiện hàng để tránh rơi đổ, va đập trong quá trình xếp/dỡ;
- Không được xếp hàng có trọng lượng vượt quá tải trọng quy định của thang máy;
Để tránh tai nạn đáng tiếc, cần đảm bảo nguyên tắc an toàn khi lắp đặt cũng như sử dụng thang máy
- Các xe tải dùng vận chuyển hàng đến thang máy, khi dừng đậu phải tắt máy, phải chèn kỹ các bánh xe để tránh xe trượt khi xe nâng xếp/dỡ hàng hóa;
- Kiểm tra kỹ sàn xe tải trước khi xe nâng bắt đầu xếp/dỡ hàng;
- Yêu cầu các tài xế xe tải rời xa khu vực xếp/dỡ hàng;
- Đặt các đèn chiếu sáng bên trong thùng xe tải bảo đảm đủ ánh sáng cho tài xế xe nâng quan sát tốt bên trong thùng xe;
- Tài xế xe nâng không được cho xe chui vào bên trong thang máy, trừ khi đã được huấn luyện chuyên môn về thao tác này...
Các nguyên nhân tai nạn thang máy chủ yếu:
- Hệ thống pu-li kéo bị hỏng, đứt cáp kéo, hỏng hệ thống thắng hãm làm thang máy bị rơi tự do từ trên cao xuống đất;
- Cửa vào thang máy không đóng kín khi thang máy chưa lên, xuống tới cửa;
- Hệ thống dây điện của thang máy bị hở, chập mạch, lắp nối sai làm nhiểm điện ra ngoài;
- Khâu bảo trì, sửa chữa khiếm khuyết do sai sót của các công nhân non tay nghề, không đủ trình độ chuyên môn kỹ thuật thực hiện;
- Sàn thang máy không liền mặt với sàn tòa nhà vì thang máy không dừng đúng vị trí hay do cân chỉnh quả tạ đối trọng chưa chuẩn;
- Hàng hóa xếp dỡ bị rơi từ xe nâng trúng vào các công nhân đứng gần.