Thảo luận dự án Luật Nhà ở sửa đổi, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, cần thay đổi cách tiếp cận vấn đề: hỗ trợ để người dân có nhà ở chứ không phải sở hữu nhà, hay nhà ở xã hội là phải “lôm côm”.
Định kiến nhà ở xã hội
Luật Nhà ở hiện hành đã bất cập kể từ khi đưa ra thực tế. Đột phá của Luật Nhà ở là xây dựng phát triển nhà ở xã hội, nhưng khi đưa luật vào TP Hồ Chí Minh thì quy định nhà xã hội chỉ có 6 tầng, không có thang máy và bằng vốn Nhà nước, không tính tiền đất. Ông Lịch nói: “Một nhà đầu tư nói rằng, Nhà nước muốn 6 tầng, thà để tôi xây 15 tầng, tặng không Nhà nước 6 tầng để làm nhà xã hội, tôi làm thang máy cho người ta đi. Nhà ở xã hội phải là nhà hơi lôm côm một chút, còn nhà thương mại thì mới đàng hoàng. Cách đặt vấn đề như vậy là sai. Bất cập thứ hai là chúng ta tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhưng sau 8 năm thực thi, nhà ở xã hội thì không phát triển, còn thị trường nhà ở lại phát triển méo mó, vừa thừa vừa thiếu. Nhà thương mại thì phát triển ồ ạt, còn nhà phổ thông phù hợp với sức mua của dân thì không có. Tôi đánh giá luật hiện hành khác với một số đại biểu là tác dụng rất hạn chế, không đóng góp vai trò to lớn gì cả, tôi xin nói rõ như vậy”.
Do đó, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, Luật nên sửa tập trung vào vấn đề chính sách phát triển nhà ở, vì trong tương lai, với quá trình đô thị hóa, vấn đề nhà ở là vấn đề rất lớn và nhằm thực hiện quyền nhà ở theo Hiến pháp cho người dân. Chúng ta thống nhất quan điểm cái gì của thị trường để thị trường làm, nhà nước tập trung phát triển nhà ở ở phần của nhà nước, chúng ta không ôm tất cả vấn đề của thị trường vào đây. “Quan điểm là nhà nước làm sao mọi người dân có chỗ ở chứ nhà nước không khuyến khích, không làm những động tác để mọi người sở hữu nhà ở. Như hiện nay, gói hỗ trợ 30 ngàn tỷ đồng là đối tượng không đúng. Chúng ta muốn những người làm không đủ ăn vẫn sở hữu nhà ở là hoàn toàn sai. Chúng ta phải thay quan điểm để phát triển”. Đại biểu Trần Du Lịch đề nghị, về nhà ở xã hội, nên tập trung chính sách để phát triển nhà cho thuê đối với tất cả đối tượng mà không ưu tiên vấn đề bán. Riêng về nhà ở thương mại, nên tập trung chính sách phát triển loại nhà phổ thông. Ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội là loại căn hộ 1-1,5 tỷ, ở các tỉnh 500-600 triệu đồng để phù hợp sức mua thị trường. Đây chính là vấn đề mà hiện nay chúng ta thiếu chính sách.
Đứng trên khía cạnh pháp lý, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh - TP Hồ Chí Minh góp ý về thời điểm xác lập quyền sở hữu về nhà ở. Việc này có ý nghĩa hết sức quan trọng, vì chỉ có khi nào có quyền chủ sở hữu về nhà ở thì lúc đó các quan hệ giao dịch về nhà ở mới được pháp luật bảo vệ. “Luật nhà ở hiện hành với Luật dân sự đã vênh, chính việc vênh ấy cho nên việc xét xử để lại hậu quả pháp lý vô cùng khác nhau. Cấp này xử thắng, lên cấp trên xử thua hoặc tòa này xử như thế này, tòa khác xử khác gây bất ổn trong xã hội trong thời gian qua rất nhiều, đây là một thực tế”. Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ vấn đề này, bởi nếu như trong dự thảo, mua bán, giao nhà xong, nhưng chưa sang tên, đổi chủ vài tháng sau nhà cửa biến động, người bán, người mua thay đổi ý kiến thì lại xảy ra tranh chấp. Nếu Luật không quy định rõ, sẽ rất khó cho việc phận định sau này. Một vấn đề nữa cũng hết sức phức tạp, phát sinh từ thực tế mà đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh cho rằng Luật chưa tính hết là vấn đề nhà chung cư. “Trong thực tế ở TP Hồ Chí Minh và ở tòa án, câu chuyện nhà chung cư hết sức phức tạp và hiện nay ứ đọng rất nhiều. Nên vừa rồi mới có câu chuyện ở tòa án Quận 6 buổi tối phải xuống làm công tác hòa giải, triệu tập 300 người dân ở một chung cư để giải quyết tranh chấp nhà xe trong chung cư sở hữu thuộc về ai. Tôi đọc trong này (dự thảo Luật – pv), tôi không hình dung hết được phức tạp, chưa thể giải đáp được hết tất cả những phức tạp về vấn đề nhà chung cư”- đại biểu Ánh kiến nghị.
Luật Kinh doanh Bất động sản phải loại trừ chạy dự án
Nhận định bất động sản (BĐS) là lĩnh vực cực kỳ quan trọng, có thể đẩy nền kinh tế đi rất nhanh, rất mạnh, cũng có thể làm sụp đổ nền kinh tế, trong phiên thảo luận chiều 18-6 về Luật Bất động sản (sửa đổi), các đại biểu cho rằng cần rất thận trọng trong việc xây dựng luật, đặc biệt khi “Luật mẹ” là Bộ luật Dân sự bao trùm các hoạt động dân sự và thương mại hiện chưa sửa chữa, mà chúng ta đã xây dựng một số luật “con”.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhấn mạnh trong Luật không nên đánh đồng các chủ thể liên quan đến bất động sản, để nảy sinh vấn đề người dân nhà rộng quá cho thuê bớt lại bị đối xử như người kinh doanh, trong khi có những người một năm bán 5, 7 cái nhà, thực chất là kinh doanh thì lại lách được luật. Một số vấn đề rất bất cập hiện nay như việc chủ đầu tư huy động vốn của người dân, sau đó chây ì, chậm tiến độ, không hoàn thành dựa án cũng được các đại biểu kiến nghị cần sửa đổi để bảo vệ quyền lợi của người góp vốn, bảo đảm quyền người mua được kiểm soát bất cứ lúc nào số tiền mình đã đóng vào và quyền được chuyển nhượng một cách thuận lợi khi có nhu cầu. Các quyết định hiện nay chưa có cách gì bắt nhà đầu tư chây ì tiếp tục hoàn thiện công trình. Một vấn đề nữa là trách nhiệm bảo hành, tuổi thọ công trình mà đại biểu Trương Trọng Nghĩa đánh giá là đang “cực kỳ sơ hở”. “Nhiều dự án lớn, cực kỳ mẫu mực, nhưng vẫn không đảm bảo tuổi thọ căn hộ. Người mua không kiểm soát được điều này, nên mua giá cao mà nhà nhanh chóng xuống cấp, thiệt hại không được ai đền bù. Do đó, các đại biểu cho rằng cần quy định rõ về tuổi thọ của dự án để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng thống nhất quan điểm nên mở rộng phạm vi kinh doanh cho người Việt Nam ở nước ngoài hoặc người nước ngoài để tranh thủ nguồn lực, nhưng vẫn phải tránh những hệ lụy. Do đó, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cho rằng Luật cần quy định “tạo sân chơi bình đẳng, nhưng phải đảm bảo sự kiểm soát của Nhà nước với các chủ thể này, đảm bảo lợi ích quốc gia...
Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), tình trạng sử dụng nhà công vụ không đúng đối tượng, sai mục đích hoặc nhiều người không đủ tiêu chuẩn vẫn được ở nhà công vụ đã gây dư luận không tốt trong xã hội. “Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu chỉ nên quy định đối tượng được hưởng chế độ nhà công vụ là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước được bố trí nhà ở theo yêu cầu về mặt an ninh và lực lượng vũ trang được điều động luân chuyển theo yêu cầu quốc phòng, an ninh. Các đối tượng còn lại nghiên cứu theo hướng khoán đưa vào tiền lương để họ tự hoàn toàn về nhà ở, ngân sách không phải bỏ ra một số tiền quá lớn để xây dựng và giá trị đất có thể chuyển thành tiền dùng vào việc khác” - ông nói.
Theo Hân Quý - CAND Online