Liên tiếp các vụ tai nạn thang máy tại Trung Quốc những ngày gần đây khiến không ít người lo lắng về vấn đề sử dụng thang máy. Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc phỏng vấn tiến sỹ Phạm Quang Đăng, Phó viện trưởng Viện Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, trường Đại học Bách khoa Hà Nội xung quanh vấn đề này.
- Thưa tiến sỹ Phạm Quang Đăng, trong thiết kế và sản xuất thang máy thì vấn đề an toàn được tính đến như thế nào?
Tiến sỹ Phạm Quang Đăng: Thang máy có hai phần, thiết kế cơ khí và thiết kế điện. Cả hai phần này có tiêu chuẩn và chịu sự chi phối của Luật chất lượng sản phầm, hàng hóa.
Trong thiết kế thang bao giờ cũng tính toán đến các trường hợp sự cố. Thang máy không phải là sản phẩm mới mà đã có từ rất lâu và cũng đã từng xảy ra các sự cố. Do đó, nó đã được hoàn thiện hơn rất nhiều sau các vấn đề phát sinh trong thời gian dài sử dụng trong thực tế.
Thang máy cũng nằm trong danh mục 25 máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định tại thông tư số 05/2014/TT-BLĐTBXH do Bộ này ban hành ngày 6/3/2014.
Vụ tai nạn thang máy ở Vũ Hán (Trung Quốc) làm 19 người thiệt mạng hồi tháng 9/2012. (Ảnh: english.caixin.com)
Do ở trong danh mục sản phẩm yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động nên theo quy định, thang máy phải được cơ quan kiểm định kiểm định định kỳ để đảm bảo thang hoạt động an toàn.
Thang máy dừng đột ngột vì doanh nghiệp... độc quyền
- Nhưng trên thực tế vẫn xảy ra các tai nạn, những tai nạn liên tiếp mới xảy ra ở Trung Quốc và ở Việt Nam cũng đã từng có tai nạn về thang máy. Theo ông, đâu là nguyên nhân?
Tiến sỹ Phạm Quang Đăng: Tôi cho rằng vấn đề chính là ở con người.
Thang máy theo quy định phải được kiểm định định kỳ. Khi kiểm định, người ta sẽ thử các hệ thống đảm bảo an toàn như hệ thống phanh, hệ thống dừng khẩn cấp…
Ở nước ngoài, cơ quan kiểm định sẽ dán tem kiểm định lên trên thang. Nếu vào thang máy, người sử dụng có thể biết thang đó có được kiểm định định kỳ hay không, đơn vị nào kiểm định, kiểm định từ khi nào và còn trong thời hạn đăng kiểm không.
Ở Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng có quy định các cơ quan đăng kiểm phải dán tem kiểm định lên thiết bị được kiểm định ở vị trí dễ nhìn thấy.
Nếu thực hiện đầy đủ các quy định về kiểm định thì sẽ không xảy ra các sự cố đáng tiếc.
Tuy nhiên, trên thực tế, điều này không được thực hiện đầy đủ. Do vấn đề kinh phí nên đôi khi chủ đầu tư không tuân thủ quy định về kiểm định chất lượng thang máy.
Một số doanh nghiệp cung cấp thang máy muốn độc quyền việc bảo trì nên có cài đặt để đến đúng thời gian đó, máy dừng hoạt động và buộc chủ đầu tư phải gọi họ đến. Điều này khiến nhiều người hoảng sợ khi đang đi thang máy bất ngờ dừng lại. Mặt khác, chất lượng bảo trì của phía doanh nghiệp đến đâu cũng là vấn đề phải xem xét.
Trong khi đó, nếu thực hiện kiểm định bởi các cơ quan độc lập, tuy tốn thêm chi phí nhưng chủ đầu tư sẽ giám sát được chất lượng sản phẩm, chất lượng bảo trì của nhà sản xuất và quan trọng hơn là đảm bảo an toàn khi sử dụng.
Người dân Trung Quốc cảnh giác hơn với thang máy. (Nguồn ảnh: ST)
- Có nhiều tòa nhà đã được xây dựng khá lâu và vì thế, thang máy cũng rất cũ. Có tuổi thọ nào cho thang máy không, thưa ông?
Tiến sỹ Phạm Quang Đăng: Thời gian sử dụng của thang máy tùy thuộc khuyến cáo của nhà sản xuất cho từng sản phẩm.
Khi thực hiện bảo trì, kiểm định, người ta sẽ phát hiện ra các vấn đề của thang máy nếu có để thay thế, sửa chữa các bộ phận không đảm bảo an toàn khi vận hành.
Cơ quan kiểm định cũng sẽ không cho sử dụng các thiết bị hết tuổi thọ và họ sẽ thay thế trước thời hạn đó.
- Vậy người sử dụng có cách nào để biết được mức độ an toàn của thang máy không, thưa ông?
Tiến sỹ Phạm Quang Đăng: Thang máy dù chạy tốc độ cao nếu đảm bảo an toàn sẽ chạy rất trơn, không có cảm giác thang bị giật, bị rung. Chỉ thang rất cao thì mới có cảm giác ù tai.
Nếu vào thang máy, khi thang chạy và dừng có cảm giác giật, nhiều người sẽ có cảm giác như say ô tô, thì hệ thống cơ khi của thang đó đang có vấn đề và không đảm an toàn.
Nhưng ngay cả những thang chạy êm cũng có thể xảy ra tai nạn nếu không được kiểm định tốt. Tất nhiên, người dân sử dụng bình thường khó có thể đánh giá nguy cơ của thang đến đâu.
Thang máy cũ không báo quá tải?
Vì thế, tốt nhất khi đi thang máy nên tuân thủ các quy tắc như số người tối đa trong thang. Các thang máy hiện đại có thể báo quá tải, nhưng thang cũ chưa chắc đã báo, và trong trường hợp đó có thể có nguy hiểm.
So với các thang máy lên thẳng thì thang cuốn đòi hỏi phải có kỹ năng hơn. Thang cuốn thường phải kẻ vạch sơn màu khác giữa các bậc thang, nhưng đôi khi thang không có sơn vạch đó.
Người già, trẻ em dễ xảy ra tai nạn khi sử dụng thang này, nhất là những lần đầu. Thang cuốn ở Việt Nam cũng khá mới so với thang máy lên thẳng, nhiều người sử dụng lần đầu nên không có kỹ năng. Bản thân tôi từng chứng kiến ở sân bay Tân Sơn Nhất có một cụ già ngã lăn từ trên xuống.
Theo tôi, có lẽ các chủ đầu tư phải có một hướng dẫn cho người dân sử dụng đặt trước thang để người sử dụng đọc, có thể tránh được tai nạn.
Nhưng về cơ bản, như tôi đã nói ở trên, thang máy là sản phẩm đã có từ rất lâu và không có gì phải lo ngại về vấn đề an toàn trong sử dụng nếu chủ đầu tư tuân thủ các quy định về kiểm định chất lượng sản phẩm. Chúng ta cũng cần thực hiện nghiêm túc hơn về việc công bố kiểm định thông qua việc dán tem kiểm định lên thiết bị để người sử dụng giám sát được.
- Xin cảm ơn ông!./.
(trích từ báo điện tử http://www.vietnamplus.vn/tai-nan-thang-may-thang-cuon-vi-sao-can-co-quan-kiem-dinh-doc-lap/335974.vnp )