Tại các gói thầu thang máy, yêu cầu về xuất xứ hàng hóa là vấn đề khiến nhà thầu kiến nghị nhiều nhất. Ảnh: Lương Dũng
Cài cắm từ công khai đến tinh vi
Rất nhiều bộ HSMT mua sắm thang máy mà các nhà thầu cung cấp cho Báo Đấu thầu có yêu cầu xuất xứ hàng hóa là phải sản xuất tại các nước G7, Nhật Bản và nhập khẩu đồng bộ. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các nhà thầu kiến nghị nhiều nhất về hành vi phân biệt đối xử đối với hàng Việt trong đấu thầu.
Có thể kể tên một loạt gói thầu thang máy thời gian qua thể hiện nội dung trên như: Gói thầu số 5 - Cung cấp và lắp đặt hệ thống thang máy thuộc Dự án Xây dựng trụ sở làm việc Chi cục Thuế quận Phú Nhuận (TP.HCM). Khi yêu cầu cung cấp 2 thang máy tải khách loại 12 điểm dừng, HSMT đã chỉ rõ “thang máy do các nhà thầu cung cấp phải do các hãng nổi tiếng thuộc các nước công nghiệp phát triển G7 sản xuất (xuất xứ G7)”. Ngân hàng BIDV có một loạt gói thầu cung cấp lắp đặt 02 thang máy thuộc Dự án Trụ sở làm việc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Phú Quốc; Dự án Trụ sở làm việc chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có những tiêu chí như trên.
Gói thầu số 16 - Hệ thống thang máy thuộc Dự án Bệnh viện huyện Châu Thành do Sở Y tế tỉnh Tây Ninh làm chủ đầu tư mời chào hàng cạnh tranh 2 bộ thang máy tải bệnh nhân, nhưng mục yêu cầu về kỹ thuật đều được nêu trong HSMT là “hãng sản xuất thuộc các nước G7”.
Sau khi bị phản ánh về việc cài cắm tiêu chí thiếu tính cạnh tranh, phân biệt đối xử với hàng Việt, nhiều tư vấn, chủ đầu tư đã trở nên tinh vi hơn khi soạn các yêu cầu về kỹ thuật trong HSMT. Chẳng hạn, về hãng sản xuất, xuất xứ hoàn toàn phù hợp với quy định. Riêng về mã hiệu, HSMT yêu cầu một model cụ thể của hãng mà chủ đầu tư muốn định hướng đến.
Đây là một trong những lý do khiến cho các gói thầu cung cấp, lắp đặt thang máy luôn “nóng” bởi tất cả đều xuất phát từ HSMT. Đó là chưa kể, trong quá trình đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật, nhiều chủ đầu tư đã cố loại bằng được những tên tuổi lớn trong ngành thang máy qua những tiêu chí phụ. Kiến nghị của nhiều nhà thầu cũng đề cập nhiều đến việc áp dụng hệ số điểm cho xuất xứ của thang máy đang còn nhiều bất cập dẫn đến nhà thầu trúng thầu có giá rất cao…
Cuộc chiến dai dẳng
“Vì nghiên cứu bản vẽ trong HSMT rất kỹ chúng tôi mới tiến hành khảo sát thực tế công trình và đi đến những phản biện để tìm ra giải pháp tối ưu đề xuất với chủ đầu tư nhưng đã không được phản hồi. Chúng tôi càng buồn hơn khi qua thông báo công bố KQLCNT của Sở Y tế Vĩnh Long cho thấy, giá dự thầu của đơn vị trúng thầu cao hơn giá dự thầu của chúng tôi nhiều tỷ đồng”, đại diện Công ty TNHH Kỹ nghệ Toàn Tâm bức xúc.
Ngay sau khi Báo Đấu thầu có bài viết “Đấu thầu tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long: Nhà thầu chỉ rõ bất hợp lý”, Liên danh Công ty TNHH Kỹ nghệ Toàn Tâm - Mitsubishi Việt Nam đã cung cấp thông tin về việc bị loại ngay từ vòng kỹ thuật tại một gói thầu. Là đại diện chính hãng của một thương hiệu thang máy hàng đầu Nhật Bản tại Việt Nam với những điều kiện lắp đặt, bảo trì, bảo hành tốt nhất và chào giá cực kỳ cạnh tranh, nhưng đơn vị này đã bị đánh rớt bởi một lý do cực kỳ khó hiểu.
Theo văn bản làm rõ HSDT giữa Sở Y tế Vĩnh Long và Liên danh Toàn Tâm - Mitsubishi Việt Nam, Chủ đầu tư cho rằng: “Khi dự thầu, các nhà thầu phải nghiên cứu bản vẽ trong HSMT và đề xuất biện pháp thi công để đảm bảo cung cấp đầy đủ các dịch vụ (cung cấp, lắp đặt, hiệu chỉnh, bảo hành, bảo trì, đào tạo, chuyển giao công nghệ…) đủ điều kiện giao cho Chủ đầu tư đưa vào sử dụng, đáp ứng yêu cầu của HSMT. Nếu cần thiết có thể gửi văn bản yêu cầu làm rõ HSMT. Việc các nhà thầu đề xuất chủ đầu tư phải cung cấp các nội dung khác nêu trên là “đặt điều kiện” đối với chủ đầu tư, không đáp ứng cơ bản HSMT”. Theo Chủ đầu tư, Liên danh Toàn Tâm - Mitsubishi Việt Nam đã “đặt điều kiện” khác so với HSMT trong nội dung của HSDT.
Phản biện lại việc “đặt điều kiện” này, Liên danh Toàn Tâm - Mitsubishi Việt Nam thông tin trong HSDT có đề cập: “Riêng các thang P11, P12, P13: sau khi khảo sát thực tế tại công trình thì hố thang của 3 thang này đều không đủ điều kiện để lắp đặt theo tiêu chuẩn của hãng Mitsubishi, hố PIT chưa có vách, vách hố thang là tường gạch và không có cột, đà bê tông cốt thép, vì vậy, việc cung cấp lắp đặt các hạng mục: trụ bê tông cốt thép, đà bê tông R200Xc200 ngăn cách vách thang và đục bê tông sửa hố PIT, chống thấm sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kết cấu của tòa nhà. Chính vì vậy, chúng tôi xin được trao đổi trực tiếp và thương thảo với Quý Cơ quan để tìm ra phương án tối ưu và không làm ảnh hưởng đến kết cấu của tòa nhà hiện hữu”.
Ngày 31/7/2017, Nhà thầu Toàn Tâm cho biết: “Cho đến khi nhận được kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT), chúng tôi hoàn toàn bất ngờ khi những ý kiến mang tính xây dựng của mình lại không được Chủ đầu tư lưu ý, trả lời thấu đáo. Chủ đầu tư vin vào những quan ngại của chúng tôi để làm lý do loại”.
KQLCNT của gói thầu nêu trên lại một lần nữa cho thấy, các gói thầu mua sắm, lắp đặt thang máy đang trở nên khốc liệt, khó tìm được tiếng nói chung giữa chủ đầu tư và nhà thầu hơn bao giờ hết.
Văn Huyền