(HNM) - Những sự cố đáng tiếc từ quá trình vận hành thang máy, đặc biệt là thang vận chuyển xảy ra nhiều trong thời gian gần đây khiến dư luận xã hội rất lo ngại. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn, từ cách sử dụng không đúng, lắp đặt không đạt tiêu chuẩn... nhưng mấu chốt vẫn là việc coi thường quy định an toàn.
|
Bảo dưỡng thường xuyên thang máy giúp giảm nguy cơ tai nạn. |
Tai nạn rình rập
Sự việc một nhân viên của quán ăn Vua chả cá (địa chỉ 26C phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tử vong trong vụ tai nạn kẹt thang vận chuyển đồ ăn vào ngày 26-9 vừa qua là bài học đau xót. Nam nhân viên nhà hàng khi đưa thức ăn vào buồng thang máy ở tầng 2 đã bị mắc kẹt nửa người trong khoang thang. Nhiều người đã cố tìm cách mở thang máy cấp cứu nạn nhân nhưng bất thành. Khi lực lượng cứu hộ, cứu nạn có mặt tại hiện trường để cứu nạn thì nạn nhân đã tử vong.
Trước đó, hồi trung tuần tháng 8-2017, tại chung cư HEI Tower, số 1 đường Ngụy Như Kon Tum (quận Thanh Xuân) cũng xảy ra vụ tai nạn thang máy làm 2 người bị thương nặng. Được biết, vụ việc xảy ra trên phố Trần Hưng Đạo, nhà hàng được cải tạo từ công trình nhà cũ, có kiến trúc từ thời Pháp gồm 3 tầng, không có hệ thống thang máy. Tuy nhiên, khi đưa vào hoạt động kinh doanh, chủ quán đã lắp đặt thêm hệ thống thang vận để chuyển đồ ăn lên các tầng cho tiện lợi. Trong khi thiết bị thiếu an toàn, người lao động không được hướng dẫn những kỹ năng cơ bản, thì nguy cơ tai nạn luôn tiềm ẩn. Còn với vụ việc xảy ra tại chung cư HEI Tower, thông tin từ Công an quận Thanh Xuân cho biết, đây là thang chở hàng, nhưng lại được sử dụng để chuyên chở khách cho quán cafe Trill Rooftop nằm trên tầng thượng của tòa chung cư này, khiến thang luôn trong tình trạng quá tải...
Phải tuân thủ quy tắc an toàn
Thực tế, ngoài 2 vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố còn có nhiều sự cố liên quan đến thang máy. Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 1 (thuộc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội), hiện nay nhiều cửa hàng kinh doanh ăn uống, do thuê nhà cao tầng trong diện tích hẹp và để tiện lợi đã tự ý lắp đặt thêm hệ thống thang vận chuyển thức ăn, thực phẩm. Do lắp đặt chắp vá, thiếu đồng bộ... cùng với hệ thống thiết bị không đạt tiêu chuẩn và người sử dụng không được tập huấn, hướng dẫn trong việc sử dụng thang máy nên tai nạn luôn rình rập và có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Để hạn chế các rủi ro trong quá trình sử dụng thang máy vận chuyển, trước tiên phải đảm bảo hệ thống thang đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, trước khi đưa vào vận hành cần phải được kiểm định chặt chẽ. Các cơ sở sản xuất, đơn vị vận hành phải tuân thủ quy trình lắp đặt, vận hành, phải bảo dưỡng, bảo trì đúng thời hạn, thường xuyên lau chùi dầu mỡ để các rơ le hoạt động tốt. Không có gì đảm bảo là thang máy không hỏng hóc đột ngột. Do đó phải ưu tiên bảo trì, bảo dưỡng để phát hiện kịp thời, khắc phục hư hỏng. Các thang vận phải có cảm biến để khi chỉ cần vướng nhẹ là dừng lại, hoặc có sự cố là dừng hẳn. Tại các cửa giếng thang của mỗi tầng, nhà thiết kế sản xuất phải chế tạo cửa tự động đóng, mở và dán cảnh báo nguy hiểm, đồng thời cử người chuyên trách làm việc tại đó... Khi không sử dụng thang vận, cần tắt cầu dao cấp điện và để thang vận trở về tầng thấp nhất của đế thang. Tuyệt đối không để các giếng thang hở khi không có người làm việc.
Đồng thời với việc bảo đảm chất lượng thang, thì ý thức sử dụng thang, ý thức về an toàn tài sản của chính bản thân từ người sử dụng được xem là yếu tố hạn chế những rủi ro nguy hiểm. Các chủ nhà hàng cần tổ chức tập huấn an toàn lao động, phòng cháy và chữa cháy cho nhân viên khi làm việc. Khi phát hiện sự cố thang vận, nhanh chóng cắt cầu dao điện và báo cho lực lượng cứu nạn, cứu hộ theo số điện thoại 114 để được trợ giúp.
Sau những sự cố đáng tiếc, cũng rất cần cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra, xử lý các nhà hàng, quán ăn, công trình sử dụng thang vận không đúng tiêu chuẩn, lắp thang vận sai phép. Đây là việc cần thiết để giảm thiểu nguy cơ tai nạn...
Phương Nhi (trích từ báo Hà Nội Mới Online)