Trước nghi vấn về giá trúng thầu của gói thầu thang máy cao bất thường, đại diện chủ đầu tư khẳng định sẽ rà soát kỹ càng hồ sơ trước khi ký hợp đồng.
Không có chuyện “quân xanh”
Ông Đinh Ngọc Dũng, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Phát thanh - Truyền hình II cho biết, để lựa chọn nhà thầu cho gói thầu Cung cấp lắp đặt 2 thang máy nhà hành chính - nhà học lý thuyết Chủ đầu tư đã thuê Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư EC Việt Nam làm tư vấn đấu thầu và đơn vị này đã thực hiện đúng quy trình được Luật Đấu thầu quy định. Ông Dũng khẳng định, không có cở sở để xác định có hay không bàn tay “quân xanh” can thiệp để dàn xếp cuộc thầu.
“Việc có 2 nhà thầu bị loại bởi lỗi rất “vỡ lòng” như thông báo do bên mời thầu phát đi thể hiện rất rõ trong hồ sơ dự thầu. Chúng tôi không lý giải được vì sao các nhà thầu lại mắc lỗi như vậy. Sau khi Báo Đầu tư phản ánh, chúng tôi rà soát toàn bộ hồ sơ và có thể khẳng định, Báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu được tư vấn đấu thầu lập theo đúng quy định và quá trình chấm thầu được tổ chuyên gia đấu thầu đánh giá rất sát”, ông Dũng nói.
|
Theo kết quả chấm thầu, công trình Nhà hành chính - nhà học lý thuyết sẽ sử dụng thang máy MITSU. Ảnh: Ngọc Tuấn |
Cần nhắc lại rằng, nhà thầu Hoàng Phúc không vượt qua bước đánh giá về nội dung “Kiểm tra và đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu” với lý do “Đơn dự thầu không hợp lệ vì trong đơn này người đại diện theo pháp luật của nhà thầu có chữ ký và chức danh không đảm bảo như nội dung ủy quyền”. Mặt khác, ông Trần Phạm Tính - người ký trong Đảm bảo dự thầu của nhà thầu Hoàng Phúc, là người không đủ điều kiện theo quyết định bổ nhiệm của HĐQT Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam.
Đặc biệt, nhà thầu Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thang máy quốc tế FUJI Việt Nam bị loại do không vượt qua bước đánh giá tính hợp lệ hồ sơ dự thầu vì… không có Đảm bảo dự thầu!?
Về lý do loại các nhà thầu là Công ty cổ phần thang máy Thiên Nam và Công ty TNHH Thang máy Thái Bình, ông Dũng khẳng định, “hồ sơ dự thầu của 2 nhà thầu này được đánh giá rất chi tiết theo biểu mẫu số 3 với 5 tiêu chí trọng yếu là lịch sử không hoàn thành hợp đồng, kiện tụng đang giải quyết, năng lực tài chính, kinh nghiệm thực hiện hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự và khả năng bảo hành, bảo trì, duy tu, bảo dưỡng, cung cấp dịch vụ sau bán hàng... Ngoài ra, các đánh giá về nhân sự chủ chốt dự kiến huy động cho gói thầu cũng được chấm thầu minh bạch và công bằng”.
Theo thuyết minh các nhà thầu không đáp ứng yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm trong báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu, thì cả 2 nhà thầu Thiên Nam và Thái Bình đều vướng lỗi hợp đồng tương tự vì không đáp ứng yêu cầu 80% giá gói thầu mà hồ sơ mời thầu nêu.
Về nhân công nhân sự, nhà nhà thầu Thiên Nam đề xuất không có trình độ tay nghề bậc 3/7 trở lên (nhà thầu Thiên Nam đề xuất nhân sự có trình độ cử nhân, kỹ sư chuyên ngành Cơ điện); nhân sự nhà thầu Thái Bình đề xuất chỉ đáp ứng 2 công nhân có trình độ tay nghề bậc 3/7 trở lên (thiếu 3 công nhân).
Thông tin lại cho phóng viên Báo Đầu tư qua điện thoại vào cuối tuần qua, ông Dũng cho biết, sau khi mời nhà thầu để làm rõ nội dung khiếu nại kết quả chấm thầu, thì nhà thầu đã đồng thuận lý do bị loại và không có khiếu nại gì thêm.
Chủ đầu tư lý giải chuyện cao bất thường
Xung quanh nghi vấn của các nhà thầu về giá trúng thầu cao bất thường, ông Đinh Ngọc Dũng lý giải, trước khi đấu thầu, chủ đầu tư đã thẩm định gói thầu này. Thang máy trúng thầu được nhập khẩu từ Thái Lan, do đó, khi so sánh với giá chào thầu của các nhà thầu sản xuất thang nội địa đề xuất sẽ có chênh lệch, nhưng giá trúng thầu vẫn thấp hơn dự toán được phê duyệt.
Trước đó, Thông báo kết quả trúng thầu số 57/TB - PTTH cho thấy, nhà thầu Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản và công nghệ thang máy MITSU Korea trúng thầu với giá 3,094 tỷ đồng. Trong khi đó, giá dự thầu của Công ty TNHH Thang máy Thái Bình là 919,6 triệu đồng và Công ty cổ phần Thang máy Thiên Nam chào giá 1,1 tỷ đồng.
Cần phải lưu ý rằng, theo hồ sơ nhập khẩu của lô hàng thang máy được nhà thầu MITSU Korea giới thiệu để cung cấp cho gói thầu, thì trong danh mục 17 loại chi tiết chính yếu của thiết bị chỉ có 2 thiết bị là máy kéo thang máy (mã Traction Machine MS368 - model: FYJ180, công suất 5,5 kw) và Traction Machine MS368 (model: FYJ200, công suất 11 KW) được Trung tâm Kiểm định kỹ thuật an toàn Khu vực II và bên giám định thứ 3 là DHCONTROL ghi rõ ký hiệu hàng hoá Mitsubishi. Các chi tiết còn lại đều được nhập khẩu từ Hãng Thai JI Elevator Co., Ltd (Thái Lan).
Trong khi đó, nguồn tin từ Công ty TNHH Toàn Tâm - nhà thầu chuyên phân phối, lắp đặt thang máy Mitsubishi (nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản) tại khu vực TP.HCM, thì với 2 thang máy, tải trọng 825 kg, 5 điểm dừng tương tự như gói thầu này cũng chỉ ở mức giá khoảng 2,6 tỷ đồng.
Vấn đề cốt lõi là, thang máy nhãn hiệu MITSU, với cấu hình linh kiện nhập khẩu từ Thái Lan và số ít linh kiện chính yếu có nhãn hiệu Mitsubishi liệu có đảm báo chất lượng? Đặc biệt, tính đồng bộ của các thiết bị sẽ được cơ quan nào thẩm định và cấp chứng nhận hợp chuẩn?
Trước những lo ngại trên, ông Dũng cho biết, chủ đầu tư sẽ yêu cầu nhà thầu thắng thầu cung cấp thêm tài liệu chứng nhận hợp quy.
“Chủ đầu tư sẽ giám sát chặt chẽ quá trình nhà thầu thi công lắp đạt, nhằm đảm bảo chất lượng như hồ sơ mời thầu yêu cầu. Chúng tôi sẽ không dễ tính với nhà thầu trúng thầu và thang máy cung cấp cho công trình phải tương xứng với “đồng tiền bát gạo” mà chủ đầu tư bỏ tiền mua”, ông Dũng khẳng định.
Ngọc Tuấn (báo Đầu Tư)