Cuộc đua của nhiều anh tài
Cung cấp các sản phẩm sử dụng cho hàng loạt gói thầu mua sắm hàng hóa thuộc lĩnh vực thiết bị điện đang là “đất dụng võ” của nhiều nhà thầu trong nước. Khi Cục Quản lý đấu thầu lấy ý kiến các đơn vị để xây dựng danh mục hàng hóa trong đấu thầu điện tử, đại diện nhiều chủ đầu tư và bên mời thầu đã mạnh dạn đề xuất danh mục thiết bị điện. “Các nhà thầu Việt Nam đã và đang làm rất tốt việc cung ứng sản phẩm thuần Việt tại các gói thầu mua sắm hàng hóa trong lĩnh vực điện. Đến nay, có thể nói, các gói thầu mua sắm thiết bị điện đang là cuộc chơi của hàng Việt”, Tổng công ty Điện lực TP.HCM khẳng định.
Thiết bị điện Made in Vietnam hiện diện hàng ngày trong các kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT) trên khắp cả nước. Ông Trần Thiện Chương, Giám đốc Công ty CP Thiết bị điện Tuấn Ân cho biết, doanh thu 9 tháng đầu năm 2017 của nhà thầu này là hơn 1.000 tỷ đồng. “60% doanh thu của chúng tôi là đến từ việc cung cấp thiết bị cho các gói thầu ngành điện. 40% doanh thu còn lại là cung ứng thiết bị cho các nhà thầu khác. 100% sản phẩm thiết bị điện của Tuấn Ân như thiết bị bảo vệ trung thế, hạ thế, thiết bị đo lường, cách điện, phụ kiện cáp ABC, hộp bảo vệ điện kế, phụ kiện đấu nối đường dây và trạm, hộp bảo vệ điện kế, bộ đỡ cáp bọc trung thế… đều do nhà máy của Tuấn Ân sản xuất”, ông Chương chia sẻ.
Một nhà thầu khác đã định danh trong làng điện là Thiết bị điện Sài Gòn. Đây là nhà thầu chuyên cung cấp tủ bảng điện, tủ scada, tủ sạc, tủ điều khiển và bảo vệ, trạm biến áp hợp bộ, tủ tụ bù…, nhận được nhiều tin tưởng từ các chủ đầu tư.
Nhiều nhà thầu kiêm luôn nhà sản xuất cung cấp thiết bị điện của Việt Nam chiếm lĩnh thị trường dẫn đến trong khoảng 3 - 4 năm trở lại đây, gần như các gói thầu mua sắm thiết bị điện đều có sự cạnh tranh khốc liệt về chất lượng, giá cả. “Các gói thầu mua sắm thiết bị điện có tỷ lệ tiết kiệm rất cao, phổ biến là từ 30 đến 40% giá trị gói thầu. Điều này giúp tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hàng năm rất lớn”, đại diện Điện lực miền Nam chia sẻ.
Bên cạnh lĩnh vực thiết bị điện, hàng Việt cũng đang được cung cấp nhiều hơn vào nhiều lĩnh vực khác như: máy tính, máy phát điện, thang máy…, dù đây là những mặt trận đang được đánh giá là “quá khốc liệt”. Không khó để thấy trong rất nhiều KQLCNT được công bố thông qua mua sắm tập trung hay mua sắm riêng lẻ, các nhà cung cấp máy tính thương hiệu FPT đã trúng thầu. FPT đã đi một chặng đường dài để có thể định danh được trước những ông lớn đến từ châu Âu, châu Mỹ và đến nay là đấu sát sạt với những thương hiệu của Trung Quốc. Trong khi đó, các thương hiệu như Thiên Nam, Thái Bình trong lĩnh vực thang máy hay Sáng Ban Mai và Hữu Toàn trong lĩnh vực máy phát điện… cũng đã trở thành những cái tên thuần Việt trong lựa chọn mua sắm.
Cần cả hệ thống chính trị vào cuộc
Theo Bộ Công Thương, về danh mục doanh nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được, thì có trên 500 doanh nghiệp với hàng ngàn loại sản phẩm trong nhiều lĩnh vực. Điều này cho thấy tín hiệu đáng mừng về năng lực sản xuất của doanh nghiệp trong nước.
Hàng năm, các loại máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được thường xuyên cập nhật vào Danh mục. Đây là một trong những căn cứ để hiện thực hóa chủ trương sử dụng hàng Việt trong đấu thầu.
Chỉ thị số 494/CT-TTg năm 2010 đã tạo đà rất lớn về cơ chế chính sách, quá trình triển khai thực tế, nâng cao năng lực của các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa và năng lực của các chủ đầu tư dự án. Nhưng chính đại diện Bộ Công Thương cũng nhìn nhận, một số máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu sản xuất trong nước có chất lượng chưa bằng các sản phẩm cùng loại do nước ngoài sản xuất nên dẫn đến chi phí sửa chữa, bảo trì, thay thế trong quá trình vận hành tăng. Bên cạnh đó, một số sản phẩm bị lỗi thiết kế và chế tạo dẫn đến khi lắp đặt vận hành phải chỉnh sửa, ảnh hưởng tới tiến độ dự án… Do đó, con đường đi vào các gói thầu mua sắm thiết bị của hàng Việt vẫn còn lắm chông chênh.
Năm 2013, Luật Đấu thầu có sự đột phá trong các nội dung hỗ trợ hàng hóa sản xuất trong nước khi tham gia đấu thầu. Nhưng khi Luật đi vào cuộc sống, nhiều tư vấn mời thầu, chủ đầu tư vẫn coi nhẹ các quy định này để gạt hàng Việt ra khỏi “cuộc chơi”. Điều này ảnh hưởng đến niềm tin của rất nhiều nhà thầu vào sự nghiêm minh của pháp luật.
Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg (CT13) về tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa trong nước trong công tác đấu thầu. CT13 đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ: “Nghiêm cấm việc phân chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu trái với quy định của pháp luật về đấu thầu hiện hành nhằm mục đích hạn chế sự tham gia của các nhà thầu trong nước. Trường hợp phát hiện việc phân chia gói thầu không đúng với quy định của pháp luật về đấu thầu thì tổ chức, cá nhân vi phạm (chủ đầu tư, bên mời thầu, tư vấn lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đơn vị hoặc tổ chức tư vấn thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu) sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu theo quy định tại Khoản 3 Điều 122 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP; đề xuất xử lý nặng hơn đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng”.
Sự ra đời của CT13 đã đáp ứng lòng mong mỏi của nhiều nhà thầu trong nước. Hiệp hội Cơ điện Bình Dương đã có văn bản gửi Báo Đấu thầu ghi nhận tinh thần quyết liệt của Chính phủ trong việc hỗ trợ hàng Việt trong đấu thầu được nêu trong CT13.
Tuy vậy, đâu đó vẫn còn tình trạng chủ đầu tư chưa hoặc ít quan tâm đến Danh mục các máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được của Bộ Công Thương ban hành và danh sách các doanh nghiệp sản xuất được các mặt hàng theo danh mục này. “Do đó, để hàng Việt có chỗ đứng vững trong đấu thầu, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, doanh nghiệp Việt cũng không ngừng hoàn thiện năng lực sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm”, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ.
Văn Huyền (http://baodauthau.vn/dau-thau/dinh-danh-hang-viet-trong-dau-thau-52744.html)