Thang máy là một phương tiện càng ngày càng trở nên phổ biến, đã là phương tiện thì chúng ta luôn khai thác theo hướng càng tiện – càng tốt.
Tuy nhiên, đây lại là một phương tiện công cộng, rất hiếm người tự hữu riêng một cái thang máy để một mình sử dụng cả. Còn nói về công cộng, chúng ta thường đề cập đến văn hóa xem phim, văn hóa xếp hàng, văn hóa đi máy bay... nhưng một điều tuy nhỏ, nhưng nó lại là một phần quan trọng trong cuộc sống lại ít được mọi người nhắc đến, đó là văn hóa thang máy.
Sự tiện lợi và nhanh chóng của thang máy ta không bàn đến, điều muốn nói ở đây là ý thức sử dụng thang máy của người Việt Nam. Hầu hết mọt người đều nhận thức được rằng, đi thang máy sẽ nhanh hơn và tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều so với thang bộ. Nhưng một bộ phận người Việt lại có tính nóng nảy, hay sốt ruột, họ là những người sử dụng thang máy nhiều nhất, hầu hết rơi vào sinh viên, dân văn phòng...
Tuy đầm công sở, quần tây, áo sơ mi, những bộ trang phục lịch sự, nhưng văn hóa sử dụng thang máy lại không có. Họ đứng đợi thang máy với tâm trạng bồn chồn, và chỉ chực đợi cửa thang máy mở ra và xông vào như thế không nhanh thì thang máy sẽ đóng mất.
Cái cửa thang máy nó rất nhỏ, mà người ra, người vào cùng một lúc, tất cả trở lên lộn xộn. Đứng đợi cho người bên trong thang máy ra hết rồi mình mới thong thả bước vào, một số người không chịu làm điều này. Thói quen đứng sát vào thang máy của nhiều người gây nhiều bất tiện và phiền phức cho người bên trong khi muốn bước ra thì không còn chỗ mà bước. Việc đứng mặt đối mặt với cái thang máy như thế, còn gây ra cảm giác lúng túng, bất ngờ cho người ở bên trong khi cửa thang máy mở.
Cảnh nhốn nháo chực chờ thang máy mở không còn xa lạ
Chuyện bên ngoài đã thế, còn chuyện bên trong, cũng nhiều vấn đề không kém. Vấn đề ở một số người khi bước vào thang, không có ý thức đứng gọn vào, những người này có xu hướng đứng chặn ở cửa, người bên trong muốn ra lại phải lên tiếng “Làm ơn cho qua”, rồi nhích người qua một bên. Mặc dù bên trong thang máy không đông, chỉ khoảng 2,3 người, nhưng vẫn có người đứng chắn cửa.
Tần suất sử dụng thang máy ngày càng tăng, có thể ngày nào cũng phải vài lần đi lên đi xuống bằng thang máy, nhưng thời gian mỗi lần sử dụng chỉ tốn một vài phút. Một thói xấu đó là nghe điện thoại, nói chuyện trong thang máy mà lại không để ý đến những người xung quanh, vẫn biết bên trong thang máy sóng điện thoại yếu, nhưng liệu có nhất thiết phải gào lên qua điện thoại?
Lại có mấy chị em nói chuyện quá vô tư, về các vấn đề nhạy cảm khi mà đang ở cùng với người lạ trong không giản chỉ khoảng năm mét vuông. Giữ trật tự là tốt, nhưng không có nghĩa là im lặng và căng thẳng. Rất nhiều người cứ hay nhìn chằm chằm vào quần áo đồ đạc của người khác, hoặc là nhìn với vẻ canh chừng, làm như vậy, không gian bên trong thang máy rất u ám, ngoài ra còn làm cho người khác khó chịu. Văn hóa là khi có mọi người ý thức được mình đang ở chỗ công cộng chịu “xuống nhạc” cho những câu truyện còn đang dang dở, mỉm cười thoải mái khi tình cờ gặp nhau trong thang máy.
Hút thuốc ở chỗ đông người đã là một hành động thiếu ý thức, nhưng vẫn có người cầm điếu thuốc phì phèo trong thang máy. Ngoài ra, còn có những người vô ý, không quan tâm đến những người xung quanh, chỉ làm theo thói quen như khạc nhổ, ngoáy tai, ngoáy mũi..., điều này rất mất vệ sinh khiến cho những người xung quanh rất khó chịu. Không gian trong thang máy rất hẹp, không khí thì ít được lưu thông, vi khuẩn sẽ lây lan từ người này qua người khác.
Ảnh châm biếm
Có một quy tắc là khi muốn đi lên, ta bấm mũi tên lên, muốn xuống thì ngược lại, bấm mũi tên xuống. Và thang máy nó là một cỗ máy, dựa theo nhu cầu của mình, con người điều khiển để nó hoạt động phục vụ mình. Với tâm lý “cho chắc”, một số người đã bấm cả hai nút là mũi tên lên và xuống, thành ra thang máy cứ bị dừng lại giữa chừng, người đợi thì mất công hỏi “thang đang đi lên hay xuống?”, phải nói đây là hành động gây lãng phí điện vận hành và thời gian của người khác.
Dùng thang máy không còn là chuyện ý thức, nó đã đẩy tới văn hóa, đất nước đang tiếp cận với sự giao thoa của các nền văn minh, công nghệ hiện đại càng ngày càng phát triển, con người tiết kiệm thời gian và công sức. Nếu như mỗi người tự thay đổi thói quen và suy nghĩ của mình, cư xử lịch sự, tinh tế, thì thang máy sẽ phát huy hết chức năng của nó, đồng thời tạo ra một nét văn hóa đệp trong môi trường làm việc cũng như sinh hoạt.
Quỳnh Trần (theo báo Đất Việt)