Đầu tư vào sản xuất là Thang máy Thiên Nam đã chọn cho mình lối đi khó, trong bối cảnh thang máy ngoại tràn ngập thị trường và đa phần doanh nghiệp Việt chấp nhận vị thế gia công.
Gian nan chinh phục “Núi Phú Sĩ”
Tổng Giám đốc Trần Thọ Huy chia sẻ: “Khi đã chinh phục được đối tác Nhật về kỹ thuật, Thiên Nam dễ dàng chinh phục các đối tác còn lại”.
Ai đã từng làm việc với các công ty Nhật thì sẽ hiểu được sự khắt khe của họ. Đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cơ khí liên quan đến thang máy, thì yêu cầu còn cao hơn nhiều, đặc biệt về tiêu chuẩn an toàn, các chỉ số tự động hóa, phụ kiện, chi tiết cơ khí chính xác, độ dày inox...
Trải qua một quá trình gian nan, Thiên Nam đã chinh phục thành công “núi Phú Sĩ“, đạt doanh thu hơn 30 tỉ đồng tại thị trường Nhật, chiếm gần 9% doanh thu năm 2014 (đạt 350 tỉ đồng). Lợi nhuận từ thị trường Nhật chưa cao nhưng qua sự hợp tác này, nguồn nhân lực của Công ty đã trưởng thành hơn và có thể đáp ứng những yêu cầu khắt khe về công nghệ. Đối tác Nhật cũng hỗ trợ đưa kỹ sư của doanh nghiệp này đi đào tạo.
Năm 2014, Thiên Nam sản xuất được 600 cái thang máy, tăng gấp 3 lần năm 2006 và đặt kế hoạch năm 2015 là 750 cái. Với số lượng này, Công ty đang chiếm 25% số lượng thang máy sản xuất trên cả nước. Để làm được điều đó, với số lượng nhân viên khoảng 900 người, doanh nghiệp này đang sở hữu 2 nhà máy, một ở Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc B, TP.HCM, với diện tích nhà xưởng là 5.000 m2, một ở Khu Công nghiệp Đức Hòa, Long An, với diện tích nhà xưởng gần gấp đôi, 8.000 m2.
Nhìn lại bước đường tạo lập từ năm 1994, Thiên Nam đã trải qua không ít gian nan. Ban đầu, cũng như các doanh nghiệp hoạt động cùng lĩnh vực, Công ty cũng chỉ nhập khẩu các dòng thang máy nước ngoài và cung cấp thêm dịch vụ sửa chữa, bảo trì thang máy. Hoạt động của Công ty lệ thuộc hoàn toàn vào đơn vị cung ứng. Chính giai đoạn này đã giúp Thiên Nam thấu hiểu thị trường, học hỏi công nghệ nước ngoài và đặt tiền đề cho chiến lược tự sản xuất.
Trong cơn sốt chứng khoán, nhà đất giai đoạn năm 2006-2007 tác động tích cực đến thị trường xây dựng Việt Nam, Thiên Nam bán 15% cổ phần cho đối tác nước ngoài với nhiều hy vọng đột phá. Thế nhưng, không như kỳ vọng ban đầu, đối tác nước ngoài lại trở thành nhân tố kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp này. Trong hoàn cảnh bị hợp đồng trói buộc không cho tăng vốn sở hữu, chuyển vốn và phải chứng kiến những miếng ngon của thị trường dần dần rơi vào tay đối tác, nếu không thay đổi, Thiên Nam chỉ còn biết chờ... bán công ty.
Ông Huy cho biết, lúc đó, việc mất Công ty chỉ là sớm hay muộn vì quá lệ thuộc vào đối tác ngoại. Tuy nhiên, tự đầu tư, sản xuất thang máy thì lại khó thấy đầu ra. Cuối cùng, Thiên Nam quyết định bước vào con đường khó: chấm dứt hợp tác với nước ngoài, quay lại tự chủ kinh doanh. Với số vốn còn lại, Công ty tập trung nghiên cứu, sản xuất thang máy.
Hiện nay, doanh số từ việc phân phối thang máy nhập khẩu chiếm tỉ trọng rất ít trong cơ cấu doanh thu của Công ty. “Công bằng mà nói, nhờ áp lực từ những đối tác nước ngoài, Thiên Nam mới có ngày hôm nay”, ông Huy nói.
Tự tin đón thời cơ
Phân khúc sản phẩm chính của Thiên Nam là thang máy chở hàng và thang máy chở người dành cho các tòa nhà dưới 25 tầng. Về kỹ thuật, Công ty đáp ứng được nhu cầu về thang máy không phòng máy; công nghệ mới cho phép giảm điện năng tiêu thụ và tăng diện tích sử dụng của buồng thang máy.
Trong thị trường thang máy Việt Nam, sản phẩm nhập khẩu đang giảm dần lợi thế. Do giá bán thang máy nhập khẩu cao hơn thang máy trong nước khoảng 30% đối với lĩnh vực dân sự, 50% đối với công nghiệp, trong điều kiện chất lượng và tính an toàn tương đương. Ngoài ra, thời gian bảo trì thang máy nhập khẩu lâu và chi phí cao hơn do thiếu phụ tùng thay thế và một số trường hợp phải đặt hàng nước ngoài.
Để giảm chi phí, một số hãng thang máy nước ngoài đã đầu tư sản xuất hoặc gia công tại Việt Nam. Vì thế, cạnh tranh về giá trên thị trường trở nên gay gắt hơn.
Thiên Nam có lợi thế nhờ đạt tỉ lệ nội địa hóa gần 60%. “Ngoài phải nhập 40% linh kiện không có nhà cung cấp trong nước, Công ty đã làm chủ phần lớn các khâu quan trọng như thiết kế, phần mềm điều khiển, thiết kế bảng điện”, ông Huy cho biết. Bài toán của Công ty trong thời gian tới là giảm lệ thuộc thị trường linh kiện nước ngoài, tiến đến chủ động hoàn toàn sản xuất.
Theo ông Huy, thị trường nội địa luôn được Thiên Nam quan tâm hàng đầu. Thang máy cho nhà ống có quy mô khoảng 2.500 cái/năm trên toàn quốc, nhưng Công ty mới chiếm chưa tới 20% thị phần. Vì vậy, đây sẽ là thị trường tiềm năng mà Công ty nhắm đến để tăng doanh thu.
Bên cạnh đó, Thiên Nam đang nhìn thấy nhiều cơ hội từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Theo tính toán, nhu cầu xây nhà xưởng tăng cao sẽ là cơ hội cho dòng thang máy chở hàng, một trong những sản phẩm thế mạnh của doanh nghiệp này. Vì thế, Công ty đặt mục tiêu tăng 30% số lượng thang máy sản xuất trong năm 2016 so với năm 2015, đặc biệt thang máy trong hoạt động công nghiệp.
Thiên Nam cũng có định hướng phát triển thị trường nước ngoài, tiếp sau những thành công tại thị trường Nhật. Công ty hiện đang cung cấp cả sản phẩm và dịch vụ cho thị trường Thái Lan và Myanmar.
Đối tác Nhật cũng vừa đàm phán với Thiên Nam để thành lập một liên doanh mới, tập trung khai thác thị trường Đông Nam Á.
Đình Bắc