Một phần tư liệu quý về quá trình đóng góp và phát triển ngành thang máy Việt Nam. Một số đề xuất và nghiên cứu đã được áp dụng thực tiễn.
Những dấu ấn tại phương pháp thi công lắp đặt mới tại công trình lịch sử Thuỷ điện Hoà Bình do chuyên gia người Pháp hướng dẫn.
Sự vận động và liên tục cập nhật về tiêu chuẩn, sự đổi mới cùng những câu chuyện thực tế khi hoạt động có thể giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn và có cái nhìn rộng mở hơn đối với các đơn vị sản xuất trong nước. Đáp ứng đúng theo tiêu chuẩn không đơn giản, nhưng đóng góp để xây dựng tốt hơn, phù hợp hơn với điều kiện công nghệ hiện tại của Việt Nam là rất thiết thực. Những bài học và kinh nghiệm vẫn còn như vấn đề thang tải hàng không kèm người, thang tải hàng hoá tại nhà xưởng , ... bám sát theo tiêu chuẩn để an toàn vẫn rất giá trị cho đến hiện tại.
Cùng tham khảo phần ý kiến và đề xuất của Thang máy Thiên Nam năm 1996.
Các tiêu chuẩn hiện hành về thang máy đã có gồm:
- Thang máy – yêu cầu an toàn trong lắp đặt và sử dụng TCVN 5744–1993.
- Thang máy – cabin, đối trọng, ray dẫn hướng – yêu cầu an toàn TCVN 5867–1995.
- Thang máy – các cơ cấu an toàn cơ khí TCVN 5866–1995.
- Thiết bị nâng – cáp thép, tang, ròng rọc xích và đĩa xích – yêu cầu an toàn TCVN 5865–1995.
Việc áp dụng các tiêu chuẩn này vào công tác thiết kế, gia công, chế tạo, lắp đặt, bảo trì đối với chúng tôi không có gì vướng mắc lớn mà thực sự có tác động hỗ trợ cho việc đẩy mạnh và phát triển sản xuất. Tuy nhiên, ở một số điểm, chúng tôi xin mạnh dạn có đóng góp như sau:
I. KIỂM TRA VÀ ĐĂNG KÝ CHẤT LƯỢNG CÁC THIẾT BỊ AN TOÀN TRONG THANG MÁY
Thang máy được lắp đặt nhiều loại thiết bị bảo hiểm với các chức năng khác nhau, trong đó bộ giới hạn tốc độ và phanh bảo hiểm là thiết bị cơ bản không thể thiếu với thang chở người. Với khả năng công nghệ hiện nay của công ty chúng tôi và các đơn vị chế tạo cơ khí khác trong nước, một lần nữa khẳng định các thiết bị trên được gia công chế tạo trong nước, bảo đảm các yêu cầu an toàn và độ tin cậy cao, vấn đề còn lại là thủ tục kiểm tra để đăng ký chất lượng sản phẩm. Chúng tôi xin được giới thiệu sơ lược các phương pháp kiểm tra sau:
I.1./ Bộ giới hạn tốc độ: Về nguyên lý làm việc có thể phân làm 02 (hai) loại:
Loại áp dụng lực ly tâm tác động lên quả văng để đóng mở công tắc điện dừng máy và tác động phanh bảo hiểm làm việc ở các tốc độ qui định.
Loại dùng mạch đếm số để xác định tốc độ thang, dùng kết hợp với loại ly tâm nói trên, kết quả được chính xác và nhạy cảm hơn áp dụng cho thang tốc độ cao.
Bộ giới hạn tốc độ có 02 (hai) chức năng chính:
+ Dừng máy khi thang vượt quá tốc độ qui định (tốc độ dùng máy)
+ Tác động phanh bảo hiểm để hãm thang tốc độ qui định (tốc độ hãm thang) khi có sự cố xảy ra.
Trong tiêu chuẩn TCVN 5866 – 1995 đã qui định các vận tốc giới hạn để phanh bảo hiểm tác động, tốc độ dừng máy thường được chọn sớm hơn phụ thuộc nhà sản xuất. Chúng tôi đề nghị bổ sung thêm 1 chỉ tiêu quan trọng để đánh giá chất lượng của bộ giới hạn tốc độ là độ nhạy.
Hiện nay, công ty chúng tôi đã có thiết bị kiểm tra và hiệu chỉnh bộ giới hạn tốc độ, thiết bị kiểm tra này có độ tin cậy cao. Nguyên lý làm việc của thiết bị kiểm tra như sau:
Dùng mô tơ có dải điều chỉnh tốc độ rộng và liên tục, để cung cấp tốc độ ở các mức qui định cho bộ giới hạn tốc độ có trang bị mặt số để hiển thị tốc độ tức thời. Các bước kiểm tra như sau:
Bước 1: Hiệu chỉnh để Governor tác động dừng máy (ngắt điện), khoá cáp dẫn động (tác động phanh bảo hiểm) ở các tốc độ qui định.
Bước 2: Đánh giá độ nhạy của bộ giới hạn tốc độ bằng các thử nhiều lần, số lần thử không dưới 10, nếu độ sai lệch của tốc độ qui định trong tất cả các lần thử không vượt quá giới hạn cho phép thì sản phẩm đạt.
I.2./ Phan bảo hiểm:
Hiện nay các phanh bảo hiểm hiện có tại Việt Nam được áp dụng kiểu cơ cấu nêm. Tuỳ theo đặc điểm kết cấu và cách làm việc, phân loại như sau:
- Kiểu bi hay má (hoặc phối hợp cả hai)
- Kiểu phanh cứng (phanh gấp) và phanh đàn hồi (phanh êm). Riêng phanh đàn hồi có 02 (hai) loại: loại điều chỉnh lực đàn hồi và loại không điều chỉnh được (do nhà sản xuất điều chỉnh).
Phanh kiểu bi hiện nay đang được hầu hết các đơn vị sản xuất trong nước áp dụng có kết cấu đơn giản, độ bám cao dễ chế tạo nhưng có nhược điểm là diện tích tiếp xúc bề mặt ray nhỏ dễ gây hư hỏng bề mặt ray khi tác động ở tốc độ cao hoặc trọng tải lớn. Để khắc phục nhược điểm trên dùng phanh má có diện tích tiếp xúc lớn hơn. Đối với thang có tốc độ cao thường áp dụng phanh đàn hồi để tăng thời gian phanh tức là giảm gia tốc phanh, giảm tải trọng động hạn chế việc gây hư hỏng bề mặt ray và giảm sốc nếu có người trong thang.
Trong thời gian sắp tới chúng tôi sẽ áp dụng kiểu phanh má đàn hồi điều chỉnh được cho các thang với tốc độ cao trọng tải lớn.
II. PHÂN LOẠI THANG MÁY THEO MỤC 1.1.1 TCVN 5744 – 1993.
- Thang máy loại IV: Thang máy thiết kế chủ yếu để chuyên chở hàng hoá nhưng thường có người đi kèm theo.
- Thang máy loại V: Thang máy điều khiển ngoài cabin chỉ dùng để chuyên chở hàng hoá – loại này khi thiết kế cabin phải khống chế kích thước để người không vào được.
Trong giấy phép chế tạo của Thanh tra Nhà nước về An toàn Lao động cấp cho Công ty chúng tôi, thang máy loại 5 giới hạn tải trọng 250kg, kích thước cabin 1m x 1m x 1,2m.
Thực tế, chúng tôi đang gặp trở ngại: phần lớn các thang máy phục vụ cho các dây chuyền công nghệ trong các nhà máy đều là thang máy loại V (chỉ chở hàng, điều khiển ngoài) nhưng thường đòi hỏi tải trọng và kích thước lớn hơn các trị số cho phép nói trên. Thời gian qua, trong trường hợp này, chúng tôi bắt buộc phải chuyển chúng thành thang máy loại IV (tải hàng có người đi kèm, có điều khiển trong cabin). Như vậy, vấn đề đặt ra là: Với thang máy điều khiển từ bên ngoài chỉ chở hàng nếu trang bị đầy đủ an toàn (hoặc khoá bảo hiểm) cho người vào trong cabin để xếp dỡ hàng hoá … Nếu chế tạo với kích thước và tải trọng lớn hơn các trị số trên thì có phù hợp với TCVN 5867 – 1995 thang máy loại này không bị khống chế kích thước cabin (người vẫn có thể vào trong cabin được) mà chỉ cần thoả mãn các yêu cầu về an toàn (phanh an toàn hoặc chốt bảo hiểm).
III CÔNG TÁC CHUẨN BỊ LẮP ĐẶT THANG MÁY
Ở đây, chúng tôi xin được đề cập tới 2 (hai) vấn đề: Sàn thao tác và nguồn điện chiếu sáng.
III.1./ Sàn thao tác lắp trên khung cố định: Theo mục 2.1.2 TCVN 5744 – 1993:
“Bố trí các sàn gỗ thao tác bắt đầu từ dưới lên, trên suốt chiều cao của giếng thang, với khoảng cách giữa các sàn, sàn thao tác phải vững chắc, chịu được không dưới 2.5 KN/m2 sàn”. Đây là một phương pháp thi công mang tính chất “Kinh điển” phù hợp với chiều cao hố thang không quá 50m, không đòi hỏi thời gian hoàn tất nhanh chóng… Ngoài ra phương pháp này đòi hỏi một khối lượng lớn vật tư để làm khung và sàn thao tác: ống thép, ván, …
III.2./ Sàn di động:
Công ty thang máy Thiên Nam đã triển khai phương pháp lắp đặt mới theo tài liệu của hàng Thyssen và hướng dẫn của chuyên gia Pháp. Đó là phương pháp SÀN DI ĐỘNG. Thực chất của phương pháp này là sử dụng sàn cabin để làm sàn thao tác. Trên sàn thao tác có lắp thiết bị bảo hiểm (Bộ giới hạn tốc độ và phanh bảo hiểm). Nhờ vậy sàn thao tác này rất cứng vững và độ an toàn rất cao. Để thực hiện thi công theo phương pháp này, đòi hỏi một số yêu cầu sau:
- Chọn các điểm chuẩn định vị thích hợp ở phía ngoài sàn thao tác.
- Phải có dụng cụ chỉnh đường ray thích hợp.
- Phải có dụng cụ kéo thích hợp dẫn động bằng điện (hoặc bằng tay) nhưng điều khiển trực tiếp trên sàn thao tác.
- Thực tế, khi áp dụng phương pháp này để lắp đặt thang máy ở Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình (hành trình 110m), so với phương pháp sàn gỗ cố định, phương pháp đã mang lại tính hiệu quả cao, an toàn. Do vậy, chúng tôi đề nghị công nhận biện pháp thi công này.
III.3./ Nguồn điện chiếu sáng: theo 2.1.4 TCVN 5744 – 1993
“Kéo điện chiếu sáng tạm thời đến từng tầng trong giếng thang và buồng máy. Chiếu sáng tạm thời dùng nguồn điện có điện áp không quá 48V và độ chiếu sáng không quá 50 Lux. Các bóng sợi đốt phải mắc phía trên các sàn thao tác, tại những vị trí không gây cản trở công việc lắp đặt”.
Khi thực hiện quy định này, chúng tôi cũng như tất cả các đơn vị thi công đều gặp trở ngại chung.
Phải sử dụng 02 (hai) nguồn điện nguồn dẫn 48V để chiếu sáng và nguồn điện 220V để cung cấp cho các dụng cụ cầm tay, máy khoan, máy móc có điện áp sử dụng 220V – 240V, sử dụng trong quá trình thi công … (hiện nay các thiết bị tại thị trường Việt Nam đều sử dụng nguồn điện 220V hoặc 110V, như vậy có vi phạm về qui định an toàn hay không?
III.4./ Chúng tôi xin được giải thích thêm về điều 2.3.14 TCVN 5744 – 1993: qui định chỉ cho phép di chuyển cabin theo chiều đi xuống với vận tốc không quá 0.71 m/s, điều này dẫn tới trở ngại cho phương pháp thi công sàn di động như đã đề cập ở mục 2.
IV. ĐỀ NGHỊ CHO PHÉP ÁP DỤNG LIÊN KẾT HÀN CHO CÁC CHI TIẾT CHỊU LỰC QUAN TRỌNG
Theo điều 1.5.3 TCVN 5865 – 1995 “ … không được dùng vỏ hàn …” qui định này là đã hạn chế khả năng công nghệ của các đơn vị sản xuất đặc biệt khi nó là phương pháp duy nhất thực hiện được trong điều kiện công nghệ hiện nay. Do đó, trong thời gian qua chúng tôi bắt buộc phải nhập khẩu trực tiếp các vỏ nêm từ nước ngoài trong khi đơn vị đủ khả năng chế tạo vỏ nêm bằng phương pháp hàn, chúng tôi đã tiến hành một số mẫu thử và gởi cho phòng thí nghiệm sức bền vật liệu của Trường đại học Bách Khoa Tp.HCM kéo thử các mẫu đều đạt. Trong khi đó, các mẫu nêm nhập từ hai hãng nước ngoài đều gia công bằng phương pháp hàn mặc dù trong điều kiện hiện nay chúng tôi phải tiến hành bằng phương pháp hàn thủ công và chưa có thiết bị để dò tìm khuyết tật hàn nhưng 1 số đơn vị khác ở TP.HCM đã có thiết bị kiểm tra nói trên. Do đó, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng xem xét cụ thể khả năng của từng đơn vị cũng như qui định biện pháp kiểm tra để cho phép sử dụng liên kết hàn.
Trích từ bài đăng trên tạp chị của Bộ Lao động thương binh Xã hội số chuyên đề 2 năm 1996 (bản gốc kèm theo)