Qua trường hợp mua bán thang máy giữa gia đình ông L.T. và Công ty Thang máy S.N., cả phía người tiêu dùng và doanh nghiệp cung cấp sản phẩm dịch vụ đều cần phải lưu ý hơn trong quá trình ký kết hợp đồng để không vướng phải những bất lợi khi xảy ra tranh chấp.
Về phía người tiêu dùng, khi lựa chọn công ty lắp đặt thang máy, người tiêu dùng cần phải yêu cầu phía công ty cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu kỹ thuật liên quan tới thang máy, dù là thang sản xuất trong nước hay nhập khẩu.
Một bộ lý lịch thang máy trong hợp đồng mua bán phải bao gồm các thông tin sau:
1. Thông tin chung về thang máy, bao gồm các nội dung tối thiểu sau:
– Mã hiệu, số chế tạo, nhà chế tạo, năm sản xuất, nơi sản xuất.
– Đặc tính kỹ thuật kỹ thuật: Công dụng, tải trọng, vận tốc, số điểm dừng, loại dẫn động, hệ thống điều khiển thang máy, đặc tính của cáp, ray dẫn hướng, môi trường làm việc của thang máy…
2. Các bản vẽ kỹ thuật về:
– Sơ đồ nguyên lý hoạt động;
– Bản vẽ thể hiện việc bố trí các bộ phận/thiết bị an toàn, sơ đồ hệ thống điều khiển, sơ đồ mắc cáp và đối trọng của thang máy.
3. Giấy chứng nhận hợp quy:
Thang máy trước khi đưa ra thị trường phải được chứng nhận hợp quy theo quy định. Chính vì thế, khách hàng trước khi ký kết hợp đồng mua bán cần phải yêu cầu bên bán cung cấp Giấy chứng nhận hợp quy thang máy.
4. Bộ chứng từ nhập khẩu bản gốc (nếu là thang, linh kiện nhập khẩu)
Để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, khách hàng cần phải tìm hiểu rõ về xuất xứ, nguồn gốc, công bố chất lượng, chính sách bảo hành,… Phía doanh nghiệp cần phải cung cấp đầy đủ Giấy chứng nhận xuất xứ CO (Certificate of Origin), Giấy chứng nhận chất lượng CQ (Certificate of Quality), Vận đơn B/L (Bill of landing),…
Về phía doanh nghiệp thang máy, các doanh nghiệp cần phải lưu ý cung cấp đầy đủ giấy tờ hồ sơ, giấy chứng nhận hợp quy, tài liệu kỹ thuật,… Đặc biệt, trước khi tiến hành lắp đặt thang máy, phía doanh nghiệp cần cung cấp cho khách hàng bản vẽ kỹ thuật mô tả việc bố trí các bộ phận/thiết bị nhằm thống nhất về thiết kế và cấu tạo sản phẩm.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, phía doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cần giải thích đầy đủ khi có thắc mắc từ phía khách hàng, tránh thực hiện công việc một cách tùy tiện, gây ảnh hưởng tới cấu tạo sản phẩm.
Nhằm đảm bảo tính chất pháp lý nếu xảy ra tranh chấp, trong quá trình lắp đặt, khi có bất kỳ phát sinh, thay đổi so với thiết kế ban đầu do bên bán/bên mua yêu cầu thì đều phải lập biên bản, giấy tờ yêu cầu và xác nhận rõ ràng của các bên liên quan.
Phần nhật ký thi công công trình cũng cần ghi chép đầy đủ và có xác nhận của các bên liên quan.
Đặc biệt, cả phía người mua và người bán cần phải nâng cao hiểu biết, nhận thức về các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến thang máy để đảm bảo quá trình thực hiện hợp đồng, lắp đặt thang máy thực hiện đúng và đầy đủ.
Đồng thời, cả nhân viên và chủ doanh nghiệp đều cần phải nhận thức rõ hơn về những quy chuẩn, quy định pháp luật liên quan tới lĩnh vực hoạt động của mình. Vì có những dấu hiệu cho thấy phía doanh nghiệp đã thực hiện những công việc mà không biết đó là hành vi vi phạm quy định hiện hành của nhà nước dẫn tới vô tình phạm tội.
Nhằm hướng tới những lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp ngành thang máy và bảo vệ người tiêu dùng, mọi thông tin phản ánh liên quan tới thang máy, quý độc giả có thể liên hệ tới Hiệp hội Thang máy Việt Nam (Số điện thoại: 024 73099868) hoặc Đường dây nóng của Tạp chí Thang máy (0989 761 499).