Có quá nhiều thứ tính cách được bộc lộ với một người đi thang máy: sự kiên nhẫn chờ đợi, xếp hàng, việc bạn có biết nhường nhịn hay luôn kèn cựa. Đáng buồn thay, người ta toàn vạch áo cho người xem lưng khi đi thang máy - những tấm lưng trần trụi và xấu xí.
Máy chấm công ở công ty tôi thường “đóng cửa” vào lúc 9:00 sáng, sau giờ đó thì bạn tự động bị trừ 50% ngày công lương, nghe vô lý nhưng sếp tôi cho rằng “rất thuyết phục”. Vì vậy, cứ tới gần 9 giờ, đồng nghiệp chúng tôi không còn nể nang gì nhau, ai nhanh chân dài tay thì chấm công được trước.
Đấy là nếu may mắn lên được đến tầng 15, còn không may mắn kẹt ở dưới tầng một, bạn phải chấp nhận tranh đấu để vào được thang máy. Tôi hoàn toàn nhận thức được việc mình xấu tính khi đi thang máy, nhưng khổ nỗi toàn do hoàn cảnh đưa đẩy.
Thường thì tôi không chấp nhận việc là người duy nhất bị bỏ lại ngoài thang khi tất cả đã vào. Bí quyết là gì á? Cứ cố mà chen vào, cần thiết thì chen rồi len vào trong cùng, lúc đó người ta có chửi thì mình cũng đã vào sâu rồi. Đeo cái tai nghe thì coi như điếc, đứa nào lèo nhèo càu nhàu cũng mặc kệ. Tôi có lý do mà, giờ vội chấm công nên phải chen thôi, thang máy mà kêu tít tít thì sẽ có ai đó vội bước ra. Tuyệt nhiên không phải là tôi. Cảm giác mình được vào thang máy cũng như khi về được tới nhà an toàn ngày mưa gió vậy.
Thực ra không vội hay đông tôi cũng chen vào, nhiều khi bạn cứ xô đẩy cả đám vào, nếu người ta quay ra bực dọc, tôi cũng quay ra tỏ vẻ bực bội.
“Ai xô đấy, chẳng có ý thức gì cả”. Và thế là mọi người đều ôm một cục tức bước vào thang máy. Tôi nghĩ nhiều người cũng như vậy, có đông người họ cố chen vào, còn nếu vắng người thì cũng cứ hùng hục như thể kiếm chỗ đẹp trong thang máy. Chuyện như vậy không hiếm, tất nhiên khi đi nước ngoài tôi sẽ tiết chế, còn ở Việt Nam thì văn hóa thang máy đúng kiểu “sống chết mặc bay”.
Có quá nhiều bài "bóc" trên Facebook về câu chuyện văn hóa thang máy ở Việt Nam: Hàng thì không bao giờ xếp, tất cả chỉ chờ cửa thang máy mở để lao vào, bất chấp người ở trong thang đi ra có kịp không. Khung cảnh như một cuộc hỗn chiến, mạnh ai nấy lo. Tôi nghĩ có nhiều bài bóc nữa cũng không thay đổi được gì, vì tất cả họ đều như tôi, từng ở trong một “trận chiến” thang máy, vô duyên và sống sượng. Họ chỉ lẳng lặng đọc những bài bóc phốt đó, đôi khi thả vài bình luận nhưng sáng hôm sau dậy vào lúc 8:30.
“Chạy thế nào kịp tới công ty giờ, của nợ, muộn thế này chen thang máy bằng chết”.
Không làm trò lố trong thang máy, nhiều người không chịu được. Thang máy cũng là một khu vực công cộng nhưng nhiều người nghĩ họ đang đứng một mình vậy: Cười đùa hô hố với đám bạn, đứng dưỡn dẹo, tay che miệng rồi vung vẩy, thỉnh thoảng không quên bình luận về ai đó xấu đẹp trên báo. Thỉnh thoảng có ai mới vào thang máy, đám bạn tôi lại xì xầm to nhỏ, dường như dây thần kinh xấu hổ bị đứt vậy. Tôi thì nghĩ đơn giản, nói chuyện với bạn bè có một lúc thôi sao đâu. Tôi cũng hay nói to hơn trên điện thoại khi vào thang máy, chỉ vì ở trong này sóng yếu nên mới phải gân cổ lên chứ.
“Alo, alo, nghe rõ không alo? Đang đi thang máy này!”.
Nhưng tôi thấy mình chưa vô duyên bằng mấy gã đi thang máy cứ nhìn chằm chằm vào ngực của các chị em phụ nữ hay có ý muốn sờ soạng - thứ như vậy không phổ biến, dù cũng tồn tại. Ngoài ra, các chị em phụ nữ đi thang máy còn có kiểu xịt nước hoa Chanel số 5 made in chợ đêm mang một thứ mùi mà nếu thang máy bị kẹt chỉ 10 phút thì tất cả người đi thang máy xin nguyện hết khí thở. Kiểu như vậy không giống tôi, sự vô duyên của tôi hẳn là có điểm dừng hơn. Ai cũng nghĩ rằng họ là một người đi thang máy bình thường cho tới khi đọc câu chuyện này và soi thấy mình trong đó.
Có nhiều người đi thang máy ích kỷ, không muốn người khác đứng quá gần nên lúc nào cũng đeo ba lô to sù sụ, dù thang máy giờ cao điểm. Ngoài việc sợ bị các bệnh truyền nhiễm ra thì tôi không thấy có lý do gì phải như vậy vì khi đã chấp nhận thang máy, bạn phải chấp nhận sẽ đông và nên nhường không gian cho mọi người. Mang tiếng xô đẩy nhưng tôi rất biết nhường nhịn, cứ áp sát người vào người khác để mọi người có thể vào thêm. Tôi không bao giờ có ý định sàm sỡ hay lợi dụng sự đông đúc của thang máy để làm những trò tiện nhân nên về khoản này tôi không lo. Việc đi thang máy cũng giống như việc tham gia một cộng đồng những người xa lạ, nếu không sẵn sàng thử thách “hòa nhập” thì bạn nên đi thang bộ. Nhưng tốt nhất đừng hòa nhập theo cách của tôi vì đó là tổng hòa của mọi thói xấu trong thang máy.
Những lúc vắng hẳn, tôi thích đi thang máy một mình, thường là những giờ giữa thời gian làm việc. Nếu thấy ai đó đang lao tới, tôi sẽ bấm đóng cửa thật nhanh. Lúc nào vui tay rảnh rang, tôi bấm thang máy khắp các tầng; tầng nào thang máy cũng mở. Tôi hiểu cảm giác có ai đó đang chửi thề đằng sau mình khi buổi sáng đông muốn nghẹt thở mà tôi bấm thang máy tầng ba vì có chút việc gặp vài đồng nghiệp. Thang máy mang đến cho người ta nhiều tiện ích, nhưng cũng mang đến cho đám lười biếng cơ hội đi một tầng chẳng cần lên cầu thang. Quá tuyệt. Bạn cứ thử một lần bấm thang máy lên tầng 2 khi văn phòng bạn có hơn 20 tầng mà xem, đảm bảo sẽ trở thành người y hệt tôi.
Văn hóa thang máy là một điều có vẻ xa xỉ với nhiều người, đặc biệt tôi quan sát ở Việt Nam. Có những người đường hoàng tử tế, làm công việc văn phong văn minh hiện đại nhưng lúc đi vào thang máy mới lộ rõ hết những thói xấu. Họ cũng bon chen, cũng nói nhiều, cũng đem theo cả hàng lẩu hay bún đậu mắm tôm vào thang máy cho mọi người chịu trận. Giữa những cách thức để xem một cộng đồng có văn minh hay không, người ta sẽ xem cách họ xếp hàng và cách họ đi thang máy. Có quá nhiều thứ tính cách được bộc lộ với một người đi thang máy: sự kiên nhẫn chờ đợi, xếp hàng, việc bạn có biết nhường nhịn hay luôn kèn cựa, cạnh tranh, bạn có phải người sống khép mình hay luôn thích bon chen nổi bật giữa đám đông, khả năng làm quen với người lạ, thậm chí là kỹ năng giới thiệu bản thân trong 1 phút. Đáng buồn thay, người ta toàn vạch áo cho người xem lưng khi đi thang máy - những tấm lưng trần trụi và xấu xí.
Nhiều người đi thang máy nhưng bỏ quên mất não và kiến thức ở nhà, thang máy kêu tít tít nhưng vẫn không buồn ra hay ngó lơ số lượng người quy định. Tôi từng bị kẹt trong thang máy vì cả đám quá đông vượt trọng tải quy định. Một lần như vậy vẫn không khiến mọi người sợ hãi còn gân cổ lên cãi: “Nếu quá số người nó phải kêu chứ, ai bảo thang máy hỏng không kêu rồi đi được giữa chừng thì kẹt”.
Tính xấu trong thang máy có thể lây, tôi tin vậy. Đám bạn đã chỉ tôi cách chen vào thang máy giờ cao điểm, cứ bắt chuyện làm tôi phải nói rôm rả hay cùng nhau làm trò lố trong thang máy. Nhiều người chấp nhận ở trong một tập thể xấu tính - cộng đồng thang máy vô ý thức, còn hơn làm con cá bơi ngược dòng, chấp nhận để bị trừ ngày công. Tôi đọc được đâu đó nói rằng: Đi làm muộn mất tiền mất có thể kiếm lại, chứ hình ảnh xấu trong thang máy sẽ luôn thành một cái gai trong mắt người khác.
Hoặc đó là điều tôi luôn tự nhủ trong đầu, nhưng không bao giờ làm được.
Bạn không thể lựa chọn thang máy để đi, nhưng bạn có thể lựa chọn cách hành xử trong thang máy. Bạn có thể không ăn nhồm nhoàm, hạn chế sử dụng điện thoại hay ngừng buôn chuyện một lúc, bạn có thể xếp hàng hoặc ít nhất chờ người trong thang máy ra hết rồi hẵng vào, bạn có thể ngừng cười cợt sau lưng ai đó trong thang máy… Bạn có thể làm rất nhiều điều để giống một người đi thang máy văn minh, biết tôn trọng người khác và tôn trọng chính bản thân mình.
Tôi khuyên các bạn vậy thôi chứ tôi vẫn là một nhân viên văn phòng đi thang máy vô cùng xấu tính. Chuyện của tôi là để dành cho các bạn. Sáng mai lỡ dậy muộn, tôi vẫn phải lao vào thang máy thật nhanh thôi.
“Chen vừa thôi hết chỗ rồi, đứng thế nào được nữa” - ai đó hét lên, mà tai nghe nhạc quá to nên tôi không nghe thấy gì.
Theo Minh Đức, Minh họa: Sỹ, Thiết kế: Minh
Trí thức trẻ