(KTSG) – Mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2023 là 6,5%. Tuy vậy, sáu tháng đầu năm chỉ đạt được 3,72%, thấp hơn kế hoạch đặt ra là 6,2%. Trước bối cảnh tăng trưởng kinh tế của thế giới bị chậm lại thì Việt Nam phải dựa vào nội lực là chính trong sáu tháng cuối năm này. Mục tiêu 6,5% trở nên khó khả thi nhưng ở mốc thấp hơn, tiệm cận 6% là điều có thể nếu có các chính sách phù hợp và sự tin tưởng của người dân, doanh nghiệp.
Muốn người dân và doanh nghiệp tăng chi tiêu, tăng đầu tư thì họ cần có sự lạc quan, có niềm tin vào triển vọng kinh tế trong thời gian tới. Ảnh: T.L
Kinh tế thế giới dù tăng trưởng chậm lại nhưng lạc quan hơn
Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6-2023 của Ngân hàng Thế giới cho biết tăng trưởng toàn cầu năm 2023 dự phóng là 2,1%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với báo cáo hồi tháng 1-2023. Trong đó, các nền kinh tế phát triển (advanced economies) tăng 0,2 điểm phần trăm và các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển (emerging market and developing economies) tăng 0,6 điểm phần trăm so với báo cáo trước.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc cũng được nhận định lạc quan hơn so với đầu năm. Với Mỹ, báo cáo mới tăng 0,6 điểm phần trăm lên 1,1% và với Trung Quốc là tăng 1,3 điểm phần trăm lên 5,6%.
Trong khi đó thì OECD có phần lạc quan hơn trong báo cáo tháng 6-2023 của mình với dự phóng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 là 2,7%. Các nước trong khối OECD được cho sẽ tăng trưởng 1,4%, Mỹ tăng 1,6%, khu vực đồng euro tăng 0,9%, và Trung Quốc tăng 5,4%.
Tuy vậy, áp lực lạm phát vẫn còn cao buộc các ngân hàng trung ương phải rất thận trọng với các chính sách của mình, đặc biệt là tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ. Cách đây một tháng, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khuyến nghị Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương thật lưu ý việc giữ lãi suất cao và lâu hơn dù lạm phát đã chững lại. Riêng đối với Mỹ thì thách thức còn ở thị trường lao động khi mà thiếu hụt lao động vẫn còn ở một số ngành nghề.
Khuyến nghị chung và hoàn cảnh riêng của Việt Nam
Với bối cảnh tăng trưởng chậm lại, lạm phát còn ở mức cao và có thể kéo dài thì các khuyến nghị chung tập trung vào ba nhóm giải pháp: tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ, hỗ trợ sức mua của người dân qua chính sách tài khóa, và ưu tiên tăng chi tiêu có hỗ trợ tăng trưởng cũng như những cải tổ mang tính hệ thống để kích cung (supply-boosting structural reforms).
Ở nhóm giải pháp đầu tiên, điều thuận lợi với Việt Nam là lạm phát được kiểm soát hiệu quả. Bình quân sáu tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,29%, lạm phát cơ bản tăng 4,74% nên việc thắt chặt chính sách tiền tệ là không cần thiết. Không những thế, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành bốn lần tính từ đầu năm nay.
Ở nhóm giải pháp thứ hai, Chính phủ cũng đã bắt đầu và tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ sức mua của nền kinh tế thông qua việc giảm thuế giá trị gia tăng, tăng lương cơ sở. Cùng với việc khuyến khích tăng chi tiêu của khu vực tư thì các khoản chi tiêu, đầu tư của Chính phủ cũng là một động lực lớn của tăng trưởng. Sự quan tâm sát sao của Chính phủ với các dự án đầu tư công gần đây là một tín hiệu rất tích cực.
Để cải thiện niềm tin của người dân và doanh nghiệp thì cần thông tin nhanh chóng, kịp thời về những cập nhật mới của kinh tế thế giới và trong nước. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cần được lan tỏa nhanh và có tính thực thi cao. Nếu sau nhiều lần có khoảng cách lớn giữa chính sách trên văn bản và thực tế thì chi phí lấy lại niềm tin sẽ càng lớn.
Ở nhóm giải pháp thứ ba, các cải tổ mang tính hệ thống dù được biết như bệnh mãn tính nhưng cũng cần tích cực cải thiện, đặc biệt trong những giai đoạn kinh tế bị chững lại, có khó khăn. Cụ thể hơn là việc giảm các chi phí phát sinh cho doanh nghiệp trong các thủ tục hành chính. Bởi vì, khi kinh tế thuận lợi, những khó khăn về hành chính doanh nghiệp có thể chấp nhận được nhưng vào giai đoạn khó khăn, đây sẽ là những gánh nặng lớn.
Cải thiện niềm tin của người dân và doanh nghiệp
Khi động lực của tăng trưởng trong sáu tháng còn lại cần dựa vào nội lực thì chi tiêu và đầu tư của cả nền kinh tế cũng không nên đặt hết lên vai của Chính phủ. Chi tiêu và đầu tư của khu vực tư luôn là phần quan trọng nhất của tăng trưởng, và Chính phủ thường đóng vai trò xúc tác.
Nhưng muốn người dân và doanh nghiệp tăng chi tiêu, tăng đầu tư thì họ cần có sự lạc quan, có niềm tin vào triển vọng kinh tế trong thời gian tới. Người dân cảm thấy công ăn việc làm được đảm bảo, thu nhập có thể tăng lên, doanh nghiệp cảm thấy doanh thu và lợi nhuận có thể cải thiện thì họ sẽ mạnh tay hơn trong việc chi tiêu hay đầu tư.
Những khó khăn của năm 2022 đã khiến cho người dân và doanh nghiệp thêm phần lo lắng và thận trọng trong năm 2023. Thêm vào đó, các báo cáo triển vọng kinh tế năm 2023 được công bố vào cuối năm 2022, đầu năm 2023 không mấy lạc quan đã khiến cho sự bi quan được củng cố thêm. Thực tế cho thấy từ nửa cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp và người dân đã tăng vị thế phòng thủ, thu hẹp đầu tư và tăng tỷ trọng các tài sản an toàn.
Nhưng các nền kinh tế luôn vận động và có những cập nhật mới. Với việc lạm phát ở các nền kinh tế lớn chững lại và có xu hướng giảm, chính sách thắt chặt tiền tệ cho thấy có hiệu lực thì triển vọng kinh tế sau sáu tháng đầu năm đã có nhiều điểm sáng hơn. Càng ngày có càng nhiều các nhận định tương đồng nhau rằng giai đoạn xấu nhất đã sắp qua.
Và do vậy, để cải thiện niềm tin của người dân và doanh nghiệp thì cần thông tin nhanh chóng, kịp thời về những cập nhật mới của kinh tế thế giới và trong nước. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cần được lan tỏa nhanh và có tính thực thi cao. Bởi vì, nếu sau nhiều lần có khoảng cách lớn giữa chính sách trên văn bản và thực tế thì chi phí lấy lại niềm tin sẽ càng lớn.
TS Võ Đình Trí (nguồn từ tạp chí Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn https://thesaigontimes.vn/tang-truong-sau-thang-cuoi-nam-dua-vao-noi-luc/ )