Thang máy là vật dụng thiết yếu trong các tòa nhà cao tầng để vận chuyển người và đồ đạc. Mặc dù được hiệu chỉnh an toàn nhất có thể nhưng vẫn có xác suất gặp sự cố. Trong trường hợp như vậy, người trong thang máy cần làm gì để đảm bảo an toàn cho mình?
Nguy hiểm sự cố mắc kẹt thang máy
Cùng với tốc độ xây dựng và phát triển đô thị, thang máy đã trở thành một thiết bị không thể thiếu ở các tòa nhà cao tầng. Tuy nhiên, do đây là thiết bị điện, có kết cấu phức tạp, dùng để lên xuống ở độ cao lớn, nên cho dù đã được cải tiến công nghệ để tối ưu hóa độ an toàn, thang máy cũng không thể tránh được các sự cố hỏng hóc bất thường.
Vậy các sự cố thang máy thường gặp là gì? Nếu không được trang bị các kỹ năng sử dụng thang máy an toàn, các sự cố này sẽ gây ảnh hưởng thế nào đến người sử dụng?
Căn hộ của gia đình ông Phạm Bá Cường ở trên tầng 18. Thang máy được ông sử dụng hàng ngày, tiện nhất là những lúc bê hàng nặng nhưng ông cũng đã có lần gặp sự cố kẹt trong thang máy vì mất điện.
Có rất nhiều người có chung nỗi lo lắng như ông Cường. Mới đây, ở thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, thang máy dừng đột ngột do tòa nhà bị cắt điện, khiến 3 người bị mắc kẹt bên trong. Rất may, vị trí thang bị kẹt ở giữa tầng 1 và tầng 2 của tòa nhà nên 1 trong số 3 người bị mắc kẹt mới có thể tự cạy cửa thang máy thoát ra ngoài và giải cứu 2 người còn lại bên trong.
Thượng uý Hoàng Thanh Hải - Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an TP. Hải Phòng cho biết, đây là sự cố phổ biến trong quá trình sử dụng thang máy. Thang máy kém chất lượng hoặc không được bảo dưỡng định kỳ sẽ thường gặp sự cố này.
Lỗi thang máy bị dừng thường là do mất điện, do lỗi bảng điều khiển, dây cáp, động cơ. Sự cố thang máy đột ngột bị dừng hoạt động có thể gây ra những mối nguy hại khôn lường. Người bị mắc kẹt bên trong, nhất là người già trẻ nhỏ rất dễ rơi vào trạng thái hoảng loạn, mất bình tĩnh, rất dễ bị chấn thương, thậm chí tử vong.
Một tai nạn hi hữu khác liên quan đến thang máy cũng đã xảy ra mới đây ở 1 tòa chung cư trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Bé trai 4 tuổi đang cùng mẹ ở tầng 6 tòa nhà. Khi bé dựa vào cửa thang máy thì bất ngờ cửa mở, khiến bé rơi vào hố thang và mắc kẹt ở vị trí tầng 4. Nghe tiếng kêu cứu của người mẹ, một người dân chui vào hố thang giải cứu và cũng bị mắc kẹt bên trong. Lực lượng chức năng đã có mặt kịp thời và đưa được cả 2 ra ngoài an toàn sau 20 phút giải cứu.
Nguy hiểm nhất là sự cố thang máy bị rơi tự do do lỗi kỹ thuật, đứt hoặc tuột dây cáp. Đơn cử như vụ rơi thang máy khi thang chạy từ tầng 11 xuống đến tầng 5, rồi đột ngột rơi từ tầng 5 xuống tầng 1 tại tòa chung cư ở Nam Trung Yên, Trung Hòa, Cầu Giấy. Hậu quả khiến 1 cụ bà 87 tuổi bị gãy chân, 1 phụ nữ và cháu bé 4 tuổi bị chấn thương.
Kỹ năng ứng phó sự cố thang máy
Các chuyên gia cảnh báo, sự cố thang máy có thể là từ các yếu tố máy móc, kỹ thuật nhưng cũng có thể từ chính con người. Vậy sử dụng thang máy thế nào để đảm bảo an toàn và cần ghi nhớ những kỹ năng gì để có thể xử lý tình huống khi gặp phải sự cố thang máy? Sau đây sẽ là một số lưu ý từ chuyên gia:
1. Người lớn không nên để trẻ nhỏ đi thang máy một mình. Tuyệt đối không để trẻ nghịch ngợm, ấn quá nhiều phím chọn tầng thang máy cùng lúc, dẫn tới lỗi hệ thống kỹ thuật của thang máy.
2. Không chen lấn, xô đẩy khi vào thang máy. Nếu đông người, nên đợi chuyến sau để tránh thang bị quá tải.
3. Khi bị mắc kẹt trong buồng thang máy, cần bình tĩnh, không la hét hoảng loạn. Vì làm như vậy không khí trong buồng thang kín sẽ nhanh chóng trở nên ngột ngạt, do thiếu oxy. Điều này sẽ khiến người già, trẻ nhỏ hay những người có bệnh lý tim mạch, huyết áp rất dễ ngất xỉu, nguy hiểm đến tính mạng.
4. Ghi nhớ sử dụng nút bấm có hình chuông cảnh báo hay các số điện thoại trên bảng chỉ dẫn để liên lạc với bộ phận kỹ thuật xử lý sự cố hoặc lực lượng cứu hộ.
5. Không nên cố mở cửa thang máy để thoát ra ngoài vì rất có thể sẽ làm hư hỏng thêm hệ thống điều khiển thang máy hoặc thang dừng ở vị trí không khớp với mặt sàn của các tầng nên khi bước ra ngoài có thể bị hụt hoặc tụt xuống giếng thang, nguy hiểm đến tính mạng.
6. Trường hợp bị kẹt trong buồng thang máy mà không mang điện thoại và thang máy bị mất điện, hãy dùng tay hoặc lấy giày, dép đập vào cửa thang để ra hiệu. Không nên đập quá mạnh hay đạp vào thành hoặc cửa thang máy khiến thang có thể bị trượt, đứt cáp tời, dẫn đến sự cố thang bị rơi tự do.
7. Có thể dùng vật cứng như chìa khóa lách vào cửa thang máy để tạo khe hở cho không khí sạch tràn vào buồng thang, giúp mọi người dễ thở hơn.
8. Trong khi chờ đợi sự trợ giúp, không nên tìm cách thoát ra ngoài qua đường nóc thang vì rất dễ trượt ngã dẫn đến chấn thương hoặc bị rơi xuống giếng thang rất nguy hiểm.
9. Trong trường hợp phát hiện thang máy có dấu hiệu sắp bị rơi tự do, ngay lập tức nên hạ thấp trọng tâm cơ thể bằng cách ngồi thấp xuống mặt sàn, tay giữ chặt vào tay vịn trong buồng cabin thang máy. Vì với tư thế này thì có thể hạn chế được sự va đập giữa cơ thể với buồng thang máy và những người trong thang máy, giảm thiểu chấn thương có thể xảy ra.
Ngoài ra, công tác kiểm tra bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống thang máy của bộ phận kỹ thuật, Ban quản lý các tòa nhà cũng đóng vai trò rất quan trọng trong phòng ngừa sự cố liên quan đến thang máy.
(nguồn từ trang tin điện tử Đài Truyền Hình Việt Nam VTV - https://vtv.vn/xa-hoi/nhung-ky-nang-can-biet-khi-gap-su-co-thang-may-20230709214118608.htm )