Có nhiều chỉ dấu cho thấy tình trạng phân biệt đối xử với hàng Việt gia tăng đáng ngại trong đấu thầu mua sắm công, khiến doanh nghiệp Việt nản lòng.
Nhiều gói thầu “sính ngoại”
Tuần qua, các nhà thầu Việt chuyên cung cấp thang máy thêm một lần sửng sốt vì phát giác nhiều hồ sơ mời thầu được phát hành vi phạm các quy định của Luật Đấu thầu về hành vi phân biệt đối xử. Thời gian qua, báo chí đã phản ánh nhiều về vi phạm này, nhưng thay vì thuyên giảm, thực tế cho thấy vi phạm ngày càng phức tạp. Nhiều nhà thầu chung nhận định rằng, lỗi phân biệt đối xử, đặc biệt về xuất xứ hàng hóa diễn biến từ cấp độ “thô thiển” đến ngày một tinh vi hơn.
Cụ thể, Gói thầu số 5 - Cung cấp và lắp đặt hệ thống thang máy thuộc Dự án Xây dưng trụ sở làm việc Chi cục Thuế quận Phú Nhuận yêu cầu cung cấp 2 thang máy tải khách loại 12 điểm dừng, tải trọng 1.050 kg, tốc độ 105 m/phút. Không cần “úp mở”, tại điểm 2.2, Mục 2 về yêu cầu kỹ thuật nêu thẳng yêu cầu thang máy do các nhà thầu cung cấp phải do các hãng nổi tiếng thuộc các nước công nghiệp phát triển G7 sản xuất (xuất xứ G7).
|
. |
Chưa hết, tại Mục 3, phần tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu còn nêu thang máy thương hiệu các nước G7 được áp thang điểm tối đa là 10 điểm. Các thương hiệu thuộc nhóm nước EU được áp 4 điểm và các trường hợp khác được áp 2 điểm. Còn xuất xứ thiết bị lần lượt được áp thang điểm tối đa là 8 điểm cho xuất xứ G7, 4 điểm cho xuất xứ EU và 2 điểm cho các trường hợp khác. Điều lạ là gói thầu này do một đơn vị tư vấn chuyên nghiệp là Công ty cổ phần Tư vấn xây lắp thương mại Sông Hồng làm tư vấn lập hồ sơ mời thầu.
Mới đây, các nhà thầu phát giác thêm 2 gói thầu thang máy cũng “cấm cửa hàng Việt” thuộc Dự án Viện Kiểm nghiệm, Nghiên cứu dược và trang thiết bị y tế quân đội do Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) làm chủ đầu tư. Thêm nỗi thất vọng cho doanh nghiệp sản xuất thang máy nội địa nữa là hồ sơ yêu cầu Gói thầu số 16 - Hệ thống thang máy thuộc Dự án Bệnh viện huyện Châu Thành do Sở Y tế tỉnh Tây Ninh làm chủ đầu tư mời các ứng thầu chào hàng cạnh tranh 2 bộ thang máy tải bệnh, nhưng mục yêu cầu về kỹ thuật ghi rành mạch “hãng sản xuất G7”, “xuất xứ nhập khẩu đồng bộ từ các nước G7 hoặc ASEAN”. Với yêu cầu này, nhà thầu sản xuất thang máy trong nước chưa vào vòng “gửi xe” đã bị loại.
Quản lý còn lỏng
Một mặt dựng lên hàng rào để loại các nhà thầu thang máy Việt, song để đảm bảo đúng luật, hầu hết hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đều khoác lên mình chiếc áo ưu đãi lựa chọn nhà thầu như quy định tại khoản 1 và khoản 4, Điều 14, Luật Đấu thầu. Theo đó, bên mời thầu sẽ ưu đãi nhà thầu chào hàng có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 25% trở lên.
Việc đặt ra các tiêu chí để loại hàng hóa, nhà thầu không đạt yêu cầu là nghiệp vụ đương nhiên. Song kỳ vọng của nhà thầu vào những bộ hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu “sạch” với tiêu chí khoa học, minh bạch, công bằng trở thành thứ ước mơ xa xỉ. Bởi dù khó điểm mặt chỉ tên, nhưng không khó để nhận diện các cuộc thầu hơi hám “định hướng” lợi ích và dễ dàng đọc vị ẩn ý tinh vi được bên mời thầu cài cắm vào hồ sơ mời thầu.
Nhiều lý do được bên mời thầu đưa ra để lý giải hiện tượng “sính ngoại”. Hầu hết bên mời thầu lý giải do tầm quan trọng của dự án như công trình công cộng, quy mô lớn, mật độ sử dụng cao…, phải đảm bảo tính an toàn, nên chủ đầu tư muốn dùng các loại nhập ngoại nguồn gốc từ các nước G7 chất lượng tốt. Nhiều nhà thầu Việt cho rằng, lý lẽ đó là ngụy biện bởi không thể lấy lý do hàng Việt kém chất lượng hơn để bào chữa cho chuyện làm sai luật. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp thang máy Việt có chiến lược đầu tư bài bản đã sản xuất thang máy chất lượng không thua kém hàng nhập ngoại, được Bộ Công thương công nhận hàng hóa trong nước sản xuất được.
Theo nhà thầu TNE, giá thành thang máy sản xuất trong nước rẻ hơn, thông tin giá rất minh bạch và dễ tham chiếu, trong khi giá thang ngoại nhập cao hơn nhiều, có loại cao gấp 2 -3 lần. Cộng với việc tham chiếu giá thang ngoại rất khó đã tạo ra kẽ hở để chủ đầu tư lợi dụng phục vụ lợi ích nhóm trong đấu thầu. “Việc lấy báo giá thang ngoại làm căn cứ so sánh trong quá trình thẩm định, nếu không được kiểm soát chặt, sẽ thổi giá thầu lên cao ngất ngưởng. Tại nhiều gói thầu, việc thẩm định giá không khách quan, thậm chí đơn vị thẩm định giá là công cụ để bên mời thầu hợp thức hóa chuyện gửi giá hòng trục lợi”, nhà thầu TNE nói và khẳng định, rất nhiều trường hợp giá trúng thầu với giá thực ngoài thị trường của cùng một loại thang ngoại có sự khác biệt lớn.
Điều lạ là những bất cập vẫn tồn tại nhưng hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu vẫn lọt qua các bước thẩm định trước khi được đưa ra mời thầu. Khi phát hiện sai phạm, nhà thầu kiến nghị thì được chủ đầu tư giải quyết qua quýt cho xong chuyện. Tình trạng vi phạm lỗi phân biệt đối xử về xuất xứ có chiều hướng gia tăng đặt dấu hỏi lớn về công tác quản lý đấu thầu ở các địa phương. Một khi các vi phạm không được phát hiện hoặc xử lý tận gốc rễ, thì tình trạng vi phạm này còn diễn biến phức tạp, thách thức tính thượng tôn pháp luật trong đấu thầu.
Ngọc Tuấn (trích từ báo đầu tư)