Tin tức - Sự kiện

Thang máy liên doanh Cú lừa tinh vi của nhiều doanh nghiệp Việt

31/05/2023

TCTM – Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng, không ít doanh nghiệp kinh doanh thang máy Việt gắn mác thang máy được sản xuất, lắp ráp trong nước là sản phẩm liên doanh của các hãng như Mitsubishi, Fuji, Sanyo,…

Thế nào là một doanh nghiệp liên doanh?

Các luật, văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không quy định thế nào là doanh nghiệp liên doanh và rất ít đề cập đến hình thức doanh nghiệp liên doanh.

Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1999, “doanh nghiệp liên doanh là doanh nghiệp do hai bên hoặc nhiều bên hợp tác thành lập tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng liên doanh hoặc hiệp định ký giữa Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước ngoài hoặc là doanh nghiệp do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam hoặc do doanh nghiệp liên doanh hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài trên cơ sở hợp đồng liên doanh”.

Hợp đồng liên doanh là văn bản ký kết giữa các bên để thành lập doanh nghiệp liên doanh tại Việt Nam.

Thông qua hợp đồng liên doanh, các bên tham gia ký kết thỏa thuận về việc hợp tác kinh doanh với hình thức thành lập một công ty mới do các bên đồng thời làm chủ. Nói cách khác, hợp đồng liên doanh là cơ sở pháp lý ghi nhận quan hệ đầu tư.

Việc ký kết hợp đồng dẫn đến việc thành lập một pháp nhân theo Luật Doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, chủ thể tham gia ký kết phải bảo đảm các điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp,…

Liên doanh là một thỏa thuận kinh doanh trong đó hai hoặc nhiều bên đồng ý tập hợp các nguồn lực của họ nhằm mục đích hoàn thành một nhiệm vụ cụ thể

Tuy nhiên, Nghị định số 38/2003/NĐ-CP của Chính phủ ban hành vào năm tháng 4/2003 đã đưa ra quy định việc chuyển đổi một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 1996 thành công ty cổ phần có vốn đầu tư nước ngoài.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 1996 là doanh nghiệp liên doanh hoặc doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Như vậy, kể từ thời điểm Nghị quyết 38 của Chính phủ có hiệu lực, hình thức doanh nghiệp liên doanh không còn được quy định, ghi nhận trong các văn bản luật.

Mặc dù trong Luật Đầu tư 2020 khái niệm này không còn và doanh nghiệp liên doanh không phải là một hình thức doanh nghiệp được ghi nhận bởi Luật Doanh nghiệp năm 2020, nhưng trên thực tế các nhà đầu tư vẫn thường xuyên sử dụng thuật ngữ công ty liên doanh để chỉ các công ty có vốn góp của cả nhà đầu tư Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài.

Doanh nghiệp liên doanh có thể được thành lập dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần. Công ty liên doanh mang tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy phép đầu tư.

Công ty liên doanh hiện nay đang tồn tại có thể là công ty được thành lập ngay từ đầu đã có sự tham gia góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư Việt Nam. Hoặc công ty Việt Nam thành lập trước sau đó có thêm nhà đầu tư mua phần vốn góp, nhận chuyển nhượng cổ phần từ nhà đầu tư Việt Nam.

Đặc điểm nổi bật của doanh nghiệp liên doanh là có sự phối hợp cùng góp vốn đầu tư (tiền bạc, công nghệ,…) sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư Việt Nam.

Tỷ lệ góp vốn của mỗi bên sẽ quyết định tới mức độ tham gia quản lý doanh nghiệp, tỷ lệ lợi nhuận được hưởng cũng như rủi ro mỗi bên tham gia liên doanh phải gánh chịu.

Chiến lược liên doanh mang đến rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Đặc biệt, khi một doanh nghiệp muốn khai thác thị trường nước ngoài, việc liên doanh với công ty bản địa sẽ giúp doanh nghiệp hiểu biết về thị trường mới, cũng như phát triển chiến lược kinh doanh phù hợp.

Bên cạnh đó, liên doanh cho phép các công ty chia sẻ công nghệ và các tài sản sở hữu trí tuệ có tính chất bổ sung, liên quan đến sản phẩm và phân phối hàng hóa, dịch vụ sáng tạo.

Một số liên doanh tại Việt Nam

Khi nền kinh tế mở thì các hoạt động, phương pháp liên doanh kinh tế ngày càng trở nên phổ biến hơn do nhu cầu mở rộng thị trường nước ngoài tăng lên. Tại Việt Nam, có rất nhiều liên doanh lớn giữa công ty nội địa với các công ty, hãng sản xuất lớn của nước ngoài.

Chẳng hạn như, vào hồi tháng 4/2019, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast (Tập đoàn Vingroup) và Công ty LG Chem (Tập đoàn LG) cũng đã công bố thành lập liên doanh đóng gói và sản xuất pin theo tiêu chuẩn quốc tế.

Mục tiêu của liên doanh là sản xuất pin lithium-ion cho các dòng xe máy điện hiện tại và hướng tới cung cấp cho các ô tô điện của VinFast trong tương lai.

Theo thỏa thuận hợp tác, VinFast chịu trách nhiệm xây dựng nhà xưởng và dây chuyền sản xuất, tuyển dụng nhân lực, vận hành nhà máy. LG Chem tư vấn kỹ thuật nhà xưởng, thiết bị, giám sát việc thực hiện, đào tạo người lao động, chuyển giao công nghệ và chuyển giao thiết kế.

Khu tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô VinFast tại Hải Phòng

Hay Công ty Honda Việt Nam được thành lập vào năm 1996. Đây là liên doanh giữa Công ty Honda Motor (Nhật Bản), Công ty Asian Honda Motor (Thái Lan) và Tổng Công ty Máy Động Lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam với hai ngành sản phẩm chính là xe máy và xe ô tô.

Công ty Kia Việt Nam liên doanh Thaco (Trường Hải Group) – Kia Motors (Hàn Quốc) với nhà máy sản xuất tại khu công nghiệp Chu Lai (Quảng Nam) sản xuất các dòng xe Kia cho thị trường nội địa và xuất khẩu các nước khác trong khu vực với nhiều dòng xe được ưa chuộng như: Kia Grand Carnival, Kia Cerato, Kia Soluto, Kia Morning,…

Sự khác biệt của các doanh nghiệp liên doanh, hợp tác trong việc lắp ráp, sản xuất so với việc một doanh nghiệp tự đứng ra nhập linh, phụ kiện từ các nhà sản xuất khác nhau chính là vấn đề về công nghệ lõi.

Chẳng hạn như, Honda hợp tác với Sony mở liên doanh sản xuất ô tô điện đặt tên là Sony Honda Mobility. Trong liên doanh này, Honda sẽ đảm nhận việc thiết kế và bán ô tô và Sony sẽ bổ sung phần mềm và công nghệ của mình.

Như vậy, trong một mối quan hệ liên doanh, hợp tác giữa các doanh nghiệp, sản phẩm được tạo ra sẽ được thừa hưởng từ những thế mạnh của từng doanh nghiệp.

Thang máy liên doanh và thang máy nội khác nhau ra sao?

Trên thực tế đối với ngành thang máy Việt, có rất nhiều đơn vị thang máy lập lờ khái niệm giữa thang máy liên doanh và thang máy nội được sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam để giới thiệu sản phẩm, chào bán cho khách hàng.

Các doanh nghiệp này đưa ra khái niệm thang máy liên doanh là thang máy có phần cơ khí được gia công tại Việt Nam, các bộ phận khác như động cơ, tủ điều khiển, ray dẫn hướng, cáp,… được nhập khẩu. Thực chất, đây là sản phẩm của một hành động lắp ghép số học mà chưa có được một thiết kế kỹ thuật tổng thể và bài bản.

Có thể thấy, thang máy nội địa và thang máy liên doanh đều là sản phẩm được sản xuất, lắp ráp trong nước, thoạt nhìn bề ngoài có vẻ giống nhau nhưng về bản chất thì lại khác nhau hoàn toàn.

Cụ thể, loại thang nhái, bắt chước thường được lắp ráp, sản xuất không có thiết kế gốc. Các doanh nghiệp có thể đặt nhiều linh kiện từ các đơn vị gia công khác nhau về lắp ráp, cắt gọt linh kiện, thiết bị, lấy “râu ông nọ cắm cằm bà kia” để tạo ra sản phẩm và gọi đó là “thang máy liên doanh”.

Trong khi đó, loại thang máy liên doanh là thang máy có công nghệ lõi, có bản thiết kế gốc và được đầu tư nghiên cứu, tính toán các yếu tố vật lý, hóa học,… một cách tổng thể để ghép các chi tiết liên kết chặt chẽ hữu cơ với nhau, qua đó thang máy sẽ hoạt động an toàn, bền bỉ.

Không biết từ bao giờ đã có một chiến dịch định hướng sai lệch thông tin được đưa ra bằng cách khi tham gia vào các trang diễn đàn về thang máy, người tham gia buộc phải trả lời câu hỏi “thế nào là thang máy liên doanh” và đánh tráo khái niệm thang máy liên doanh là thang máy nội.

 

Nhiều hội, nhóm trên Facebook yêu cầu người dùng khi muốn tham gia cần phải trả lời câu hỏi: “Thang máy liên doanh (thang nội) khác gì với thang máy nhập khẩu đồng bộ, chính hãng?”.

Không chỉ trên các hội nhóm về thang máy, trên trang chủ của nhiều hãng thang máy nội hay những bài báo về thang máy cũng đưa ra định nghĩa sai lệch về loại thang liên doanh này. Không ít những bài viết, tin tức phân định tại Việt Nam có hai loại thang máy là thang nhập khẩu nguyên chiếc và thang liên doanh.

Với cách định nghĩa sai và đánh vào nhận thức từ sớm của người tiêu dùng, những sản phẩm sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam hoàn toàn có thể được gắn nhãn mác là sản phẩm liên doanh vì một số linh phụ kiện các doanh nghiệp phải nhập từ nước ngoài do tính chuyên môn hoá trong chuỗi cung cứng.

Quan trọng hơn, để đánh lừa khách hàng về việc sản phẩm có liên doanh với các hãng lớn, không ít doanh nghiệp lấy tên tuổi các công ty sản xuất lớn trong ngành công nghiệp điều khiển, điện tử hoặc điện gia dụng nổi tiếng.

Chẳng hạn như, thang máy liên doanh Mitsubishi, thang máy liên doanh Fuji, thang máy liên doanh Sanyo, thang máy liên doanh Schneider,… Hoặc lấy tên theo các hãng sản xuất động cơ hoặc thiết bị chính cho thang máy như thang máy liên doanh Montanari, thang máy liên doanh Zeiger Alber,…

Thậm chí, nhiều loại thang máy còn được gắn mác, đặt trùng tên với những tập đoàn điện tử lớn của Nhật, đánh lừa khách hàng việc sản phẩm có liên doanh, liên kết với các hãng từ Nhật như Sharp, Sanyo, Aoyama,… và những dòng thang máy này được giới thiệu là thương hiệu thang máy Nhật sản xuất tại nhà máy ở Trung Quốc.

Cũng chính bởi những cái tên nghe rất “chuông” ấy khiến khách hàng lầm tưởng rằng thang máy mình mua là dòng thang được hỗ trợ công nghệ của các hãng sản xuất lớn.

Thực tế, các hãng cung cấp thiết bị điện công nghiệp chỉ bán phụ tùng và hỗ trợ liên quan tới thiết bị mà họ sản xuất. Còn phần thiết kế, điều khiển thang máy của nguyên bộ thang máy khi lắp ráp hoàn chỉnh có đáp ứng theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn,… các hãng này hoàn toàn không hỗ trợ.

Chỉ cần tìm trên Google với từ khóa “thang máy liên doanh” sẽ hiện ra rất nhiều bài viết liên quan đến dòng thang máy cùng những định nghĩa sai lệch.

Thang máy có tên liên doanh lắp ráp tại Việt Nam hiện nay chủ yếu là lấy tên một bộ phận để mô tả toàn bộ thang máy. Tức là những thiết bị chính được lắp từ các hãng nổi tiếng như Fuji, Mitsubishi, Schneider,… còn các linh, phụ kiện còn lại thì từ nhiều nguồn khác.

Ví dụ như, thang máy được lắp thêm bộ điều khiển tín hiệu (bo mạch vi xử lý, PLC) của Mitsubishi thì được gọi là thang máy liên doanh Mitsubishi, thang máy được lắp bộ điều khiển động lực (biến tần) của Fuji thì được gọi là thang máy liên doanh Fuji,…

Trên thực tế, hãng Fuji Electric không sản xuất thang máy mà chỉ chuyên sản xuất biến tần, động cơ điện, khởi động từ,… Có thể thấy rằng khái niệm thang máy liên doanh đang được nhiều doanh nghiệp thang máy lợi dụng để tạo một cái mác đẹp và nhanh chóng bán được hàng.

Khách hàng có quyền lựa chọn đúng sản phẩm mà họ muốn

Những chiếc thang máy liên doanh “tự xưng” không chỉ khiến người tiêu dùng chọn mua nhầm sản phẩm mà còn gây phương hại tới uy tín của bản thân doanh nghiệp thang máy nội.

Thậm chí, điều này còn khiến người tiêu dùng dễ dàng hiểu sai về các hãng thang máy lớn khi chúng bị vô tình nhắc tên trong dòng sản phẩm do doanh nghiệp tự lắp ráp trong nước thành “thang máy liên doanh”.

Trên thực tế, ngành thang máy Việt còn non trẻ, các sản phẩm thang máy vẫn phải nhập khẩu số lượng lớn linh kiện, thiết bị từ hãng sản xuất nước ngoài về lắp ráp do tính chuyên môn hóa chưa cao, công nghiệp phụ trợ của ngành thang máy còn yếu. Và đây là những bước đi đầu tiên cho sự phát triển lâu dài của ngành di chuyển thẳng đứng của nước nhà.

Tuy nhiên, việc nhiều doanh nghiệp hô biến các dòng thang này là thang máy liên doanh và khiến khách hàng nhầm lẫn là điều sẽ khiến ngành thang máy Việt trở nên thiếu uy tín đối với người tiêu dùng nội địa và gây tiếng xấu cho các doanh nghiệp sản xuất thang nội chân chính, nghiêm túc.

Các doanh nghiệp cần phải nhớ rằng khách hàng có quyền được lựa chọn đúng sản phẩm mà họ muốn, thay vì chọn mua nhầm sản phẩm do sự thiếu trung thực từ phía người bán.

Việc xây dựng niềm tin người tiêu dùng của các doanh nghiệp thang máy Việt, từ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu tới hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ chính là nền tảng cho sự phát triển bền vững của ngành.

Nam Tiến

(nguồn trích từ Tạp Chí Thang Máy - https://tapchithangmay.vn/thang-may-lien-doanh-cu-lua-tinh-vi-cua-nhieu-doanh-nghiep-viet/ )

Các tin khác

Khuyến cáo đặc biệt khi đi thang cuốn

Khuyến cáo đặc biệt khi đi thang cuốn

Đi bộ trên thang cuốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dễ xảy ra tai nạn, cùng tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này theo ý kiến chuyên gia đến từ Nhật Bản

Xem thêm
Chính thức công bố Tiêu chuẩn cơ sở đầu tiên của ngành thang máy

Chính thức công bố Tiêu chuẩn cơ sở đầu tiên của ngành thang máy

Sáng 27/3 tại Hà Nội, Hiệp hội Thang máy Việt Nam chính thức công bố Tiêu chuẩn cơ sở đầu tiên của ngành thang máy. Đây là tiêu chuẩn cơ sở về yêu cầu an toàn chung trong quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy.

Xem thêm
Doanh nghiệp thang máy Việt loay hoay tìm hướng đi

Doanh nghiệp thang máy Việt loay hoay tìm hướng đi

Có thể nói rằng thang máy là ngành trì trệ nhất trong tất cả các lĩnh vực của thời đại 4.0 hiện nay. Công nghệ, mô hình quản lý, chiến lược kinh doanh,… của các doanh nghiệp cơ bản là giống nhau và cũng không khác mấy so với 20 năm trước.

Xem thêm
Không được sử dụng thang máy khi xảy ra hỏa hoạn

Không được sử dụng thang máy khi xảy ra hỏa hoạn

Trong tình huống hỏa hoạn, đặc biệt là khi xảy ra ở các tầng trên cao của tòa nhà, tự nhiên hầu hết mọi người sẽ lựa chọn sử dụng thang máy để di chuyển. Tuy nhiên, việc sử dụng thang máy để rời khỏi tòa nhà trong tình huống này là một quyết định rất nguy hiểm có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho những người bị ảnh hưởng bởi vụ cháy.

Xem thêm
Các tiêu chí phân loại thang máy

Các tiêu chí phân loại thang máy

Thang máy hiện nay được sản xuất với nhiều kiểu dáng, loại hình khác nhau, đáp ứng nhu cầu sử dụng đa dạng của từng công trình. Dựa trên tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về thang máy, có thể phân loại thang máy theo các nguyên tắc và tiêu chí như công năng sử dụng, nguồn gốc xuất xứ,…

Xem thêm
Quy trình cứu hộ thang máy

Quy trình cứu hộ thang máy

Hiểu biết về quy trình cứu hộ thang máy giúp cả người sử dụng và lực lượng trực kỹ thuật tại chỗ, lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp nắm rõ được quy trình, cách phản ứng với tình huống và đảm bảo an toàn nhất cho sức khỏe con người và tài sản.

Xem thêm
Nơi an toàn nhất khi thang máy gặp sự cố

Nơi an toàn nhất khi thang máy gặp sự cố

TCTM – Theo lý thuyết nếu thang máy gặp sự cố thì nơi an toàn nhất là bên trong cabin thang máy. Điều này đúng ngay cả khi thang máy không gặp sự cố.

Xem thêm
Quyền được biết của người đi thang máy

Quyền được biết của người đi thang máy

TCTM – Nhằm đảm bảo quyền được biết của người tiêu dùng trước khi quyết định sử dụng thang máy, nhiều quốc gia trên thế giới đã có quy định dán mã QR Code định danh thang máy nhằm cung cấp thông tin liên quan tới lý lịch thang máy, giấy phép kiểm định, thông tin sửa chữa, bảo trì,… của thang máy.

Xem thêm
Dấu ấn thang máy ngoại tại các công trình Việt

Dấu ấn thang máy ngoại tại các công trình Việt

Lời tòa soạn:
Lịch sử chiếc thang máy đầu tiên gắn với dinh thự Phủ Toàn quyền Đông Dương (nay là Phủ Chủ tịch) khánh thành vào năm 1906 nhưng phải đến sau 1994, khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ thì ngành nghề này mới có điều kiện phát triển.

Xem thêm

CÔNG TY CP THANG MÁY THIÊN NAM

1/8C Hoàng Việt, Phường 4 , Quận Tân Bình, Hồ Chí Minh

Tel: (84.028) 5449 0210 - Fax: (84.028) 5449 0208 - Email: info@tne.vn

Hotline tư vấn lắp đặt: 1900 6961 (từ 6h - 22h)

Hotline bảo trì sữa chữa: 1900 2034 (phục vụ 24/24)

Giấy phép ĐKKD: 0300908346 do Sở KHĐT TP.HCM cấp ngày 09/06/200. 

                  

Đăng ký nhận báo giá

1900 69 61

https://zalo.me/0903814354