Ngành thang máy

Cẩm nang thiết kế thang máy bệnh viện

22/07/2025

TCTM – Các tòa nhà chăm sóc sức khỏe, bệnh viện yêu cầu nhiều loại thang máy chuyên dụng, mỗi loại được thiết kế cho các mục đích cụ thể khác nhau. Do đó, cũng đưa tới những yêu cầu về tải trọng, kích thước khác nhau. Dù vậy các yêu cầu kích thước thang máy tại các TCVN liên quan đến thiết kế cơ sở y tế, bệnh viện được phân loại khá đơn giản, thiếu chi tiết.

1. Lựa chọn kích thước thang máy bệnh viện theo TCVN và ISO 8100-30

1.1 Yêu cầu kích thước thang máy bệnh viện theo TCVN

Theo TCXDVN 365:2007 Bệnh viện đa khoa – Hướng dẫn thiết kế, đối với bệnh viện có các khối điều trị trên 3 tầng hoặc có quy mô từ 150 giường trở lên cần bố trí thang máy chuyên dụng có thể vận chuyển cáng cho bệnh nhân nặng, bệnh nhân không tự đi lại được, bệnh nhân là người khuyết tật.

Kích thước tiêu chuẩn cho buồng thang máy bệnh viện được khuyến cáo tại nhiều  
TCVN khác nhau, được phân ra thành hai loại chính dành cho bệnh nhân và dành cho nhân viên. Chẳng hạn như, kích thước tiêu chuẩn cho buồng thang máy (cabin) bệnh viện theo TCXDVN 365:2007 là:

+ Cho bệnh nhân: Không nhỏ hơn 1.100 mm x 2.300 mm (chiều rộng x chiều dài).

+ Cho nhân viên: Không nhỏ hơn 1.100 mm x 1.400 mm.

Khi lựa chọn kích thước, tải trọng thang máy bệnh viện cần đặc biệt chú ý tới kích thước giường bệnh, cân nhắc việc có nhân viên y tế và thiết bị đi kèm hay không

Tương tự, Tiêu chuẩn 52 TCN – CTYT 0038 : 2005: Tiêu chuẩn thiết kế khoa Phẫu thuật bệnh viện đa khoa; Tiêu chuẩn 52 TCN – CTYT 0039 : 2005: Tiêu chuẩn thiết kế khoa cấp cứu, khoa điều trị tích cực và chống độc bệnh viện đa khoa, đều đưa ra yêu cầu:

+ Kích thước buồng thang nhân viên: không nhỏ hơn 1.100 mm x 1.400 mm.

+ Kích thước buồng thang bệnh nhân: không nhỏ hơn 1.100 mm x 2.300 mm.

Trong khi đó, TCVN 4470 : 2012 Bệnh viện đa khoa – Tiêu chuẩn thiết kế:

+ Kích thước buồng thang bệnh nhân: Phải đủ cho cáng bệnh nhân và 04 người: không nhỏ hơn 1.300 mm x 2.100 mm; Tốc độ thang máy cho bệnh nhân: không lớn hơn 0,75 m/s.

+ Kích thước thang máy cho nhân viên: không nhỏ hơn 1.100 mm x 1.400 mm;

+ Chiều rộng cửa thang máy: không nhỏ hơn 900 mm.

1.2. Yêu cầu kích thước cabin thang máy theo Tiêu chuẩn ISO 8100-30

Trong khi đó, Tiêu chuẩn ISO 8100-30 – Thang máy Loại I, II, III và VI đưa ra khuyến cáo chi tiết và cụ thể hơn. Theo đó, thang máy loại III là thang máy được thiết kế cho mục đích chăm sóc sức khỏe, bao gồm: thang máy bệnh viện và thang máy trong khu điều dưỡng. Khuyến cáo chung, chiều cao cabin phải là 2.300 mm; chiều cao lối vào phải là 2.100 mm.

Ngoài ra, Tiêu chuẩn ISO 8100-30 cũng đưa ra khuyến cáo chi tiết về tải trọng phù hợp cho từng chức năng và kích thước giường bệnh, cụ thể:

a) Cabin của thang máy tải trọng định mức 2.500 kg đặc biệt phù hợp để chở người nằm trên giường bệnh viện có kích thước 1.000 mm × 2.300 mm, cùng với các thiết bị y tế phụ trợ và người đi kèm;

b) Cabin của thang máy 2.000 kg phù hợp để chở giường có kích thước 1.000 mm × 2.300 mm (không bao gồm thiết bị y tế phụ trợ) nhưng có người đi kèm;

c) Cabin của thang máy 1.600 kg chủ yếu phù hợp để di chuyển giường bệnh viện có kích thước 900 mm × 2.000 mm (không bao gồm thiết bị y tế phụ trợ) nhưng có người đi kèm;

d) Cabin của thang máy 1.275 kg phù hợp cho giường có kích thước 900 mm × 2.000 mm trong khu điều dưỡng (không bao gồm thiết bị y tế phụ trợ) nhưng chỉ với một người đi kèm.

Tiêu chuẩn ISO 8100:30 cũng đưa ra kích thước cabin, giếng thang máy dựa trên tải trọng định mức và khuyến nghị rõ ràng về loại thang phù hợp với từng kích thước giường bệnh. Cụ thể như hình sau:

Lưu ý:

GHI CHÚ 1 – Chiều cao cabin phải là 2.300 mm. Chiều cao lối vào phải là 2.100 mm.

GHI CHÚ 2 – Thang máy phù hợp cho tốc độ lên đến và bao gồm 2,5 m/s.

GHI CHÚ 3 – Kích thước giếng thang được hiển thị trong ngoặc đơn có giá trị cho thang máy thủy lực dẫn động bên.

GHI CHÚ 4 -Thang máy có ký hiệu xe lăn cho phép sử dụng xe lăn quay tự do bên trong cabin.

GHI CHÚ 5 – Mặc dù đối trọng được thể hiện trong sơ đồ, các kích thước áp dụng cho tất cả các thang máy bất kể loại truyền động và loại thang máy có phòng máy hay không.

GHI CHÚ 6 – Thang máy 1.275 kg có cửa mở trung tâm được sử dụng kết hợp với các thang máy khác có thiết kế cửa tương tự trong một nhóm thang và cho phép di chuyển cáng cứu thương 600 mm × 2.000 mm.

Kích thước giường bệnh mô tả trong bản vẽ như sau:

a) Kích thước giường 900 mm × 2.000 mm.

b) Kích thước giường 1.000 mm × 2.300 mm.

c) Kích thước giường 1.000 mm × 2.300 mm, có thêm thiết bị đi kèm.

2. Những hạn chế khi lựa chọn, thiết kế thang máy theo TCVN

Các TCVN thiết kế, xây dựng bệnh viện có hạng mục thang máy vẫn còn hạn chế về chi tiết và tính chuyên biệt, đặc biệt khi so sánh với các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 8100:30.

Phân loại thiếu chi tiết, cụ thể: TCVN thiết kế, xây dựng bệnh viện chỉ phân loại thang máy thành thang bệnh nhân và thang nhân viên với các yêu cầu kích thước tối thiểu (ví dụ: 1.1m x 2.3m hoặc 1.3m x 2.1m cho bệnh nhân; 1.1m x 1.4m cho nhân viên).

– Thiếu chi tiết về kích thước và tải trọng: TCVN thiết kế, xây dựng bệnh viện chưa quy định rõ kích thước cabin, cửa thang máy và tải trọng phù hợp với từng loại cáng, giường bệnh, cũng như chưa tính đến khả năng tải bệnh nhân cùng giường bệnh, số lượng nhân viên y tế và thiết bị đi kèm.

So sánh lựa chọn thang máy dựa trên TCVN thiết kế, xây dựng bệnh viện và Tiêu chuẩn ISO 8100-30 (Thang máy Loại III)

Việc thiếu chi tiết này có thể dẫn đến việc thiết kế thang máy chỉ đáp ứng yêu cầu tối thiểu, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng thực tế của bệnh viện hiện nay. Đã có trường hợp thang máy sau khi lắp đặt xong nhưng kích thước cửa thang máy không vừa với giường bệnh, không chứa được giường bệnh kèm các máy móc, thiết bị y tế và nhân viên

Trong khi đó, Tiêu chuẩn ISO 8100:30 phân loại rõ ràng hơn về kích thước cabin, kích thước cửa mở thông thủy theo tải trọng định mức (ví dụ: 2.500 kg, 2.000 kg, 1.600 kg) và khả năng chứa các loại giường bệnh cụ thể (kích thước giường, có kèm thiết bị y tế phụ trợ hay không) cùng số lượng người đi kèm.

Đối với những lưu ý chi tiết hơn cho từng loại thang máy bệnh viện phục vụ cho từng mục đích sử dụng khác nhau (chở khách chung, tải hàng, chở giường bệnh,…) được đề cập trong bài “ Lựa chọn kích thước, tải trọng thang máy theo từng loại thang ”.

Nội dung tham khảo từ tài liệu “Chỉ dẫn thiết kế thang máy” của Viện Kỹ thuật ứng dụng Thang máy

(trích nguồn từ Tạp chí Thang máy: https://tapchithangmay.vn/cam-nang-thiet-ke-thang-may-benh-vien-su-khac-biet-khi-thiet-ke-thang-may-benh-vien-theo-tcvn-va-iso-8100-30/ )

Tin tức khác

Cẩm nang tính toán lưu lượng hành khách và thiết kế công suất thang cuốn

Lựa chọn thang cuốn phù hợp không chỉ đơn thuần là chọn thiết bị vận chuyển người giữa các tầng. Bài viết này phân tích cách xác định công suất thang...

Cẩm nang thiết kế thang máy bệnh viện

Sự khác biệt khi thiết kế thang máy bệnh viện theo TCVN và ISO 8100-30. Các tòa nhà chăm sóc sức khỏe, bệnh viện yêu cầu nhiều loại thang máy chuyên d...

Nhiệt độ trong phòng máy ảnh hưởng thế nào đến thiết bị thang máy

Việc kiểm soát nhiệt độ phòng máy thang máy trong giới hạn cho phép không chỉ đảm bảo hoạt động ổn định và hiệu quả của thang máy mà còn góp phần kéo...

Lưu ý cực kỳ quan trọng khi mua thiết bị cửa tầng thang máy chống cháy để đáp ứng nghiệm thu Phòng cháy chữa cháy đảm bảo hoạt động kinh doanh

Lưu ý cực kỳ quan trọng khi mua thiết bị cửa tầng thang máy chống cháy để đáp ứng nghiệm thu Phòng cháy chữa cháy đảm bảo được phép hoạt động kinh doa...

Quy định bắt buộc tuân thủ về cửa tầng thang máy chống cháy

Hiện nay theo Quy định của bộ xây dựng, Bộ công an về phòng cháy cho các công trình như khách sạn, bệnh viện, trường học, chung cư, các tòa nhà công c...

Sự cố nghiêm trọng khiến hàng loạt thang máy hư hỏng xảy ra chiều ngày 23/04/2025

Theo tin từ báo Tiền Phong vào 14h16 phút ngày 23/4 xảy ra sự cố trạm biến áp trên hệ thống điện khu vực miền Nam. Hệ thống ghi nhận sự cố các đường d...

1900 69 61

https://zalo.me/0903814354